bọn cười chế nhạo. Đến giờ mình vẫn thấy điều ấy chẳng có gì
đáng cười. Cha mình là cán bộ liêm khiết, dạy sống phải trung
thực. Ngay từ nhỏ mình đã được giáo dục rằng những người
cộng sản là những người luôn sống và chiến đấu vì mọi người,
không bao giờ vụ lợi cho bản thân. Mình chính thức rời khỏi
gia đình khi theo trường đại học sơ tán ở Lạng Sơn. Thời kỳ
đầu nằm tạm lán, vào rừng chặt gỗ, chặt lồ ô dựng nhà bên
dòng sông Kỳ Cùng. Một hôm bó lồ ô của mình để ở đầu lán
biến mất. Đi tìm một hồi, phát hiện ra nó được giấu ở đầu nhà
mấy anh đảng viên. Đêm ấy mình đã trùm chăn khóc tức tưởi.
Khóc hàng giờ đồng hồ. Không phải vì tiếc công trèo đèo lội
suối, thả bè bì bõm dọc sông Kỳ Cùng suốt buổi chiều. Mà vì
thất vọng. Dần dần cuộc sống cho mình hiểu ra: lý tưởng của
Đảng là cao cả, còn đảng viên cũng là con người, không thể
mong họ là thánh được. Ngọc cũng kể về một tình yêu đơn
phương với một cô bạn cùng lớp và cách hành xử dại dột để
người con gái ấy oán giận mình. Rồi cũng có cô hàng xóm đem
lòng yêu mến, hôm lên đường nhập ngũ, cô bé cứ lẽo đẽo đi
theo: "anh đi còn nhớ người ở khu tập thể nữa không?".
Đêm ấy họ thức trắng. Khi bảo nhau ngủ thì cũng là lúc
tiếng những con chim rừng lảnh lót cất những tiếng hót đầu
tiên chào một ngày mới.
Quang và một số người ở lại chân đèo 700 để tìm chỗ đặt
kho đầu nguồn và nơi trú quân của đơn vị thi công tuyến ống,
gọi là Công trường 181. Ngọc, Danh, Thanh đi trong tổ khảo sát
tuyến. Phụ trách tổ là một trung úy ba mươi sáu tuổi, người
miền Nam, có cái tên nghe lạ lạ: Huỳnh Phường. Bắt đầu từ đây
là khu vực vĩ tuyến mười bảy nên trong tổ khảo sát có cả y tá,
vài cậu chiến sĩ để giúp việc và chiến đấu bảo vệ khi cần thiết.
Từ chân đèo bảy trăm, tuyến ống tách khỏi đường 18. Vượt
sang tây Trường Sơn thì từ đường ô tô đến tuyến ống xa ít nhất