một cây số. Đó là khoảng cách an toàn không bị vạ lây khi B52
đánh vào đường ô tô. Chính cái khoảng cách cần thiết ấy đã
đẩy tuyến đường ống lên độ cao cheo leo hơn, và vô tình đi gần
hơn những con đường hoạt động bí mật của các nhóm thám
báo địch. Vừa đi vừa phát tuyến nên mỗi giờ có khi chỉ đi được
một cây số. Mới chỉ qua mấy tháng đi rừng, Ngọc, Danh và các
bạn đã rất nhiều kinh nghiệm tìm rau rừng, kiếm cá, ốc suối để
cải thiện bữa ăn. Khi ở tuyến Hướng Tây, tổ khảo sát thường
hạ trại bên bờ suối. Đó là nơi có thể thư dãn sau một ngày vất
vả. Sau bữa cơm chiều có thể thả mình lên cánh võng bên dòng
suối trong vắt, mắt nhìn lên vòm lá mà mơ mộng. Huỳnh
Phường là một cán bộ Đại đội trinh sát bộ binh, nên anh có
một kiểu tư duy khác: Suối là nơi dễ bị thám báo biệt kích địch
chú ý nhất. Có thể chúng phát hiện khi ta nấu cơm, tối đến,
chúng sẽ đánh úp. Bởi vậy, sau bữa cơm chiều, anh yêu cầu mọi
người thu dọn và di chuyển đến một nơi cách chỗ nấu cơm ít
nhất 500 mét mới được mắc võng ngủ. Với cái cách ấy, khi mắc
võng thường trời đã nhá nhem tối, và hôm sau, lại phải đi
thêm một quãng dài mới tới chỗ có nước rửa mặt đánh răng và
nấu cơm sáng. Bất tiện vậy, nhưng mọi người đều chấp hành.
Một tối, khi mọi người lên võng thì đã nhọ mặt người. Nơi họ
nghỉ lại là một đỉnh cao ẩm ướt. Những lớp sương mờ đục
bảng lảng quấn quanh võng. Mệt nhoài sau một ngày cật lực
vừa đi vừa phát cây mở lối và nghiên cứu địa hình, cả tổ lăn ra
ngủ. Ngọc tranh thủ trùm chăn bấm đèn pin học tiếng Lào. Từ
sau cái lần không biết nói lời cảm ơn với người dẫn đường,
Ngọc luôn cố gắng học tiếng Lào. Thường thì thời gian học như
vậy chỉ khoảng nửa giờ. Tích tiểu thành đại. Vả lại đâu đủ pin
để học được nhiều. Khi đã chìm sâu vào giấc ngủ, bỗng Ngọc
giật mình vì một tiếng rú ghê rợn. Anh lăn khỏi võng, vơ lấy
khẩu súng ngắn, nép vào gốc cây và hướng nòng súng về phía
tiếng rú. Có tiếng huỳnh huỵch của một cuộc vật lộn. Từ khi ra
trường, vào ngay tuyến, khảo sát, thi công đường ống, nhóm