hàng hóa không thể ra mặt trận. Hơn ai hết, ông thấm điều đó
trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Phương thức vận chuyển xăng
bằng đường ống thực sự là một cứu cánh trên tuyến Trường
Sơn ác liệt này. Đường ống đã chứng minh tính ưu việt của nó
trên tuyến đường 12, và bây giờ là đường 18. Mùa khô này,
đường 18 chỉ là hướng nghi binh thu hút địch. Chắc kẻ địch tin
rằng đường 18 là tuyến đường rất quan trọng, vì trong các con
đường từ miền Bắc, vượt Trường Sơn để chi viện cho miền
Nam thì đây là đường ngắn nhất. Quá nhiều bom đạn đã đổ lên
khu vực cửa khẩu gồm đèo 700, đèo 900, và trọng điểm Pha
Bang. Từ trước đến nay, trọng điểm giao thông thường gắn với
đường ô tô. Nhưng ở khu vực này, đã xuất hiện trọng điểm
đánh phá ngăn chặn tuyến đường ống. Ông được báo cáo bộ
đội đường ống đang bơm xăng vào bản Cọ, chỉ còn cách đường
số chín ba mươi cây số... Việc này có thể coi như một kỳ tích, vì
họ đã vượt qua cửa tử một cách ngoạn mục. Hôm nay, theo báo
cáo của Binh trạm 90, ông quyết định đến tận nơi kiểm tra việc
này.
Đón Tư lệnh ở Binh trạm 90 có Binh trạm trưởng Quang
Trung, Cục trưởng Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần Phan Tử
Quang, Lê Trọng và Chỉ huy trưởng Công trường 181 Đặng Văn
Thế. Binh trạm trưởng Quang Trung đứng trước tấm bản đồ
treo trên vách, báo cáo Tư lệnh. Những tấm bản đồ tác chiến
trên tuyến vận tải Trường Sơn, từ Bộ Tư lệnh đến các Binh
trạm bao giờ cũng được phủ lên một lớp mi ca trong suốt để có
thể dùng bút màu cập nhật tình hình địch, ta, nhất là tình
hình đánh phá ngăn chặn của không lực Hoa Kỳ. Quang Trung
báo cáo một cách tổng quát tình hình toàn Binh trạm, từ quân
số, trang bị, địch đánh phá, tổn thất của ta, tinh thần bộ đội...
kết quả vận chuyển... Ông chỉ vào con sông Sê Bang Hiêng
ngoằn ngoèo chảy từ biên giới Việt Lào, qua cánh đồng Pha
Bang: