Đã tưởng tượng, mà anh không khỏi ngỡ ngàng. Không biết
các thế hệ sau có thể hiểu hết những nơi gọi là trọng điểm giao
thông thời chống Mỹ như thế này không. Gọi là trọng điểm
468 vì cây số 468 là trung tâm trọng điểm. Trọng điểm dài tới
hơn ba cây số. Đoạn tuyến đi qua cây số 468 một bên là núi cao,
sườn dốc nên ta luy đường rất cao và dễ sạt lở, một bên là vực
sâu. Nếu xe ra đến giữa đường mà đường tắc thì chỉ có cách
đứng im làm mồi cho máy bay địch. Qua cây số 468 một đoạn,
là ngã ba khe Ve. Nơi đây một hướng là đường 15 đi tiếp vào
Nam, một hướng rẽ phải theo đường 12 lên đèo Mụ Giạ, biên
giới Việt Lào, vào tuyến 559. Ngã ba đường ấy cũng nằm giữa
triền núi hiểm trở, lại phải qua một con suối lớn nên nó trở
thành hiểm địa, nơi máy bay địch tập trung ngăn chặn. Ngày
nối ngày, máy bay địch dùng đủ mọi thủ đoạn đánh phá: Rải
thảm, tọa độ, bổ nhào theo đợt, tập kích bất ngờ. Bom đạn
cũng đủ kiểu: Bom phá phá nát từng đoạn đường, cầu. Nếu
bom rơi lên ta luy thì mỗi trái bom có thể hất hàng trăm mét
khối đất đá xuống mặt đường. Bom từ trường sẵn sàng kích nổ
khi có phương tiện sắt thép đi qua. Bom nổ chậm rình rập, có
thể nổ bất cứ lúc nào. Bom cháy để đốt rừng, đốt xe. Bom bi để
sát thương những người trên mặt đất. Bom lá, bom tai hồng
rải khắp trọng điểm, ai không may dẫm phải thì cụt chân. Rồi
bom vướng nổ. Thứ bom tai ác này có khi làm tê liệt trọng
điểm mấy ngày liền vì phá chúng phải rất thận trọng. Những
sợi dây chết chóc mong manh như tóc lẫn trong cành khô, cát
bụi khiến cho các chiến sĩ công binh phá gỡ cũng khó tránh
được thương vong, rồi rốc két, đạn hai mươi ly... Hàng chục
thứ bom đạn ấy nối nhau cày nát trọng điểm khiến cho suốt
đoạn đường hơn ba cây số, chiều rộng ngót một cây số không
còn sinh vật nào tồn tại. Những thân cây rừng đại ngàn qua
hàng trăm trận bom đã bị băm vụn thành dăm. Trên trọng
điểm, có khi vẫn còn vài cây lớn. Chúng đã chết, mảnh bom
găm đầy mình, nhưng đứng trơ trơ vươn những cành khô đã