thuộc huyện Tân Kỳ. Cuộc họp giao nhiệm vụ được triệu tập
cấp tốc trước khi triển khai thi công trong vùng địch đánh phá.
Lần đầu tiên, các kỹ sư và sĩ quan nhìn thấy tấm bản đồ vạch
tuyến. Tuyến đường ống dẫn xăng được biểu diễn bằng đường
đỏ với những chấm đen kéo dài từ phía bắc Truông Băng đến
Nga Lộc. Tuyến dài bốn mươi hai cây số nên được gọi là X42.
Kế hoạch triển khai lực lượng thi công đã được vạch ra một
cách chi tiết. Trên toàn tuyến chia làm bốn đội thi công, trong
đó vượt sông Lam là điểm trọng tâm. Sở chỉ huy Công trường
gồm Ban chỉ huy và những kỹ sư mới được đào tạo ở Liên Xô,
Trung Quốc về, sẽ đóng trong một xóm nhỏ gần điểm vượt
sông. Chỉ huy trưởng Lê Trọng giao nhiệm vụ cho từng đội
trưởng: Họ thi công từ đâu đến đâu, hiệp đồng với chính quyền
xã nào để lấy nhân lực; phương án xử lý tình huống khi bị máy
bay địch đánh... Ông kiểm tra lại việc chuẩn bị hậu cần, kỹ
thuật, cứu thương, các phương án bảo vệ an ninh. Mọi việc
chuẩn bị thế là gọn gàng. Ngày mai toàn Công trường bắt đầu
rải quân lên tuyến và thi công trên địa bàn kiểm soát gắt gao và
đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Thục mắc võng bên bờ con suối trong vắt. Anh muốn có
một khoảng yên tĩnh cho mình. Ngả lưng trên cánh võng, nhìn
vòm trời xanh thấp thoáng qua tán lá rừng, anh miên man
nghĩ về những dòng nhật ký của người lính trẻ đã hy sinh trên
suối Trà Ang, nhớ những giọt nước mắt và giọng nói nghẹn
ngào của Binh trạm phó Binh trạm 114 khi tiễn ba chiếc xe chở
những phuy xăng đắt giá giao cho 559. Những phuy xăng ấy
được đổi bằng máu của hàng trăm người đã ngã xuống dòng
sông Son, Cường Hà, suối Trà Ang, và cả những người lính lái
xe trên các cung đường. Nhìn thấy bộ đường ống hiện đại, anh
bỗng nghẹn lòng nhớ đến hình ảnh các chàng trai, cô gái lảo
đảo trên con đường dốc vì xăng họ gùi trên lưng đã ngấm ướt
đẫm áo quần và mái tóc. Giờ có đường ống rồi, chắc chắn