nga mấy câu thơ mà ông vừa ứng tác. Có lẽ Thánh Thần Thiên Chúa đã
cảm hứng cho ông:
Chúa cho con vấp ngã
Để con níu lấy Ngài
Và để con chợt hiểu
Tình Ngài vẫn bên con.
Trên đường về, Kim Thản tưởng mình bước đi trên gió. Vâng có ngọn gió
Thần Khí trong lòng bà. Ba tuần sau, Lê Bát không còn nói đến chuyện bỏ
đạo nữa, ông lại còn trách mình, “Thì ra đức tin của mình non yếu quá so
với bề dày truyền thống tự nhiên tồn tại trong lòng mình luôn lấn át đức tin
đó vì không cùng một bình diện và phả hệ. Mình chỉ có một đức tin thờ ơ,
bị định hình trong khuôn khổ của những giá trị văn hóa truyền thống và do
đó không tiếp nhận được gì mới mẻ mà Đức Giêsu mang lại để đổi mới
lòng mình.”
Kim Thản đã chọn lựa đúng: giữa sự xung đột gay gắt của các giá trị, giữa
đêm tối của cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn khốc này, giữa lúc con rồng đỏ
bảy đầu mười sừng vươn vai thức dậy, giờ đây bà không tìm cách bảo vệ
ruộng vườn của chồng, tiền bạc của mình, và hạnh phúc với chồng con một
cách ích kỷ, trí trá, trái lại bà bảo vệ đức tin để chờ vị Hôn Phu của bà trở
lại: Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến! Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến.
Bốn người bạn trẻ Dung, Loan, Cường, Khang từ làng quê ra thành phố với
tâm thức bị trói buộc trong một ý thức hệ, và chính Võ Tấm đã hình thành
cái tâm thức ấy như một khuôn khổ hoặc cái nếp tiếp nhận mọi kiến thức.
Cái khuôn khổ ấy từ chối mọi kiến thức loại sử học và văn học do các thầy
cô ở trường truyền dạy. Vì thế không lạ gì khi một người có thể quên hết
kiến thức của một nền văn hóa, nhưng nhờ cái khuôn khổ tư duy và cảm
nhận mà kiến thức trước đây còn để lại và tồn tại lâu dài nên người ấy vẫn
tiếp tục cảm nhận và tư duy trong khuôn khổ của văn hóa ấy hay trong phả
hệ ấy. Cho nên có người nói rằng: “Văn hóa là cái gì còn lại sau khi chúng
ta đã quên hết tất cả.” Và bốn người bạn trẻ của chúng ta cũng suy nghĩ và
hành động như thế.