nàng hiểu chuyện gì đang xảy ra bên trong đồng thời cũng chợt hiểu rằng
bài thơ của sư Đãi nghêu ngao lúc xách đèn soi sáng trong vườn không
hoàn toàn vô nghĩa. Kể từ đó nàng không còn đến ngôi chùa ấy nữa vì kinh
sợ sự ô uế và phàm tục của nó.
Mấy ngày sau kể từ hôm cho gia đình mẹ Tuấn Nghĩa biết tin mới nhất của
Khánh Dung ở Huế, Huỳnh Hiển quay lại với một bịt trái lòn-bon làm quà
cho bà Trình. Chàng ngồi nói chuyện và trấn an bà một lúc, sau đó rủ
Khánh Loan đi dạo. Trên đường đi chàng nói:
“Anh chỉ sợ bà nội em buồn về việc Khánh Dung đã bỏ học vào khu.”
“Lẽ ra bà và mấy cô phải vui vì chị ấy đã chọn con đường đúng.” Khánh
Loan xẵng giọng đáp.
“Dĩ nhiên chị em cho như thế là đúng, nhưng với bà nội em và các cô thì
khác.”
“Họ có bao giờ yêu thương ba em và chúng em đâu!”
“Sao em nói vậy, dù đúng hay sai gia đình đều yêu thương ba em nhất nhà
trong khi chú út em bị ghét bỏ một thời gian dài sau khi theo đạo Chúa” rồi
chàng nói tiếp khi thấy Khánh Loan cúi đầu cảm động, “Em biết lịch sử
hôm nay không thể hiểu đúng một cách đơn giản được. Ngày xưa chúa
Trịnh chúa Nguyễn đánh nhau chí chóe cũng chỉ là việc tranh giành nội bộ
của một nước nhỏ, ngày nay có những phong trào toàn cầu như phong trào
thực dân, phong trào Mác-xít, nên khi đánh giá lịch sử nước mình, mình
phải tính đến ảnh hưởng của chúng và mức độ độc lập của mình đối với các
phong trào đó. Độc lập địa dư chỉ là một khía cạnh và sẽ chẳng có ý nghĩa
nhiều nếu ta nô lệ về ý thức hệ. Vì thế người chiến thắng một cuộc chiến
chưa hẳn người đó đương nhiên có chính nghĩa buộc người dân phải tuân
phục mình như chúa Trịnh chúa Nguyễn ngày xưa, nếu người dân không
được tự do và dân chủ chọn kẻ chiến thắng làm chính quyền của mình…”
“Anh định thuyết phục em để em không đấu tranh cho phong trào Phật giáo
phải không?”
“Không, anh chỉ thuyết phục để em chú tâm vào một việc học mà thôi cho
bà nội, các cô và mẹ em yên lòng.”