trong nước như những vòng sóng âm thanh và sóng nước gồm thu mọi vật,
như tiếng máu chảy trong châu thân, là sự sống của chân không vậy. Bây
giờ mình nói đến tam tài và tứ trụ trong thơ. Câu thứ nhất là tài địa: sương,
quạ, trăng là những tài vật của đất. Câu thứ hai là tài nhân với sự xuất hiện
của lửa (huyền thoại Promêtê lấy lửa trao cho người), của dân vạn chài.
Câu thứ ba là tài thiên nằm trong chữ thành ngoại. Có Đấng nào rất bên
ngoài, nghĩa là rất siêu việt mà cũng rất bên trong cho bằng Trời. Ngôn ngữ
biểu tượng Việt Nam nói ngoài-trời/ trong-nhà. Vì Thượng Đế siêu việt nên
các nhà thần học còn gọi Người là Đấng-Khác. Kế đó chữ San là núi và
phải hiểu là chỗ lui tới của thần. Đấy tam tài là thế.”
“Vậy câu thứ tư lại hoá ra thừa chăng?” Huỳnh Hiển hỏi tiếp.
“Không thừa mà là quan trọng nhất vì Trương Kế khi viết được ba câu đầu
Thiên-Địa-Nhân thì tứ thơ bị bí, nói cách khác ông bí vì ba tài lớn ấy đứng
cạnh nhau nhưng không hiệp thông với nhau được; phải đợi khi nghe tiếng
chuông, Trương Kế mới viết được câu thứ tư là Thần trong tứ trụ. Tại sao
nửa đêm? Bạn là người đạo Chúa bạn hiểu dễ dàng điều này hơn vì Chúa
nhập thể và nhập thế nghĩa là Giáng sinh vào lúc nửa đêm. Câu thơ bốn nối
kết thiên-địa-nhân bằng chính Thần và sự nối kết như thế giữa một nhân
loại còn lầm than trong đêm tối tự nó đã mang ý nghĩa cứu độ. Sau tiếng
chuông của câu thứ tư thấm nhập vào mọi vật, nối kết và hiệp nhất mọi vật
thì vũ trụ sẽ chờ đợi gì? Mình cũng nghĩ như người đạo Chúa là chờ một
binh-minh-không-có-hoàng-hôn, một ngày-mới-không-còn-đêm-tối. Và
văn chương như bài thơ này của Trương Kế mới đáng là văn chương.”
“Bắt buộc văn chương phải có đủ tam tài và thêm thần như cậu vừa nói liệu
có quá đáng không đối với người nặng nợ văn chương như cậu?” Huỳnh
Hiển lại hỏi.
“Mình tự bắt buộc mình thế thôi. Mình tự làm nhà lý luận văn học cho
chính mình và cũng không thể bắt buộc ai khác. Sở dĩ mình phải dùng tam
tài để tránh những thái quá trong cách viết. Ví dụ chủ nghĩa hiện thực trong
văn học xem ra chỉ có phần địa và một phần nhỏ của nhân, không có phần
thiên. Còn chủ nghĩa lãng mạn chỉ có phần nhân và một phần của thiên,
không có phần địa. Chủ nghĩa hiện sinh có rất nhiều nhân và một phần của