theo lối viết truyền thống của nhà nho khi họ xếp đặt các văn bản cổ theo
thứ tự là Kinh - Sử - Tử - Truyện, và mình hiểu như thế này: Kinh nói về
chân lý tối hậu; chân lý ấy phô diễn trong thời gian là Lịch Sử; suy nghĩ về
triết học để lập thuyết dựa vào Kinh và Sử chính là Tử, ví dụ khi mình gọi
Khổng Khâu là Khổng tử mình có ý nói đến một người lập thuyết họ
Khổng. Khi ông Khổng này làm triết học, ông đã tham khảo lịch sử thời kỳ
Xuân Thu là nguồn sử liệu quan trọng do ông thu thập; sau cùng Truyện
phải thể hiện những chân lý trong Kinh, phải tham khảo lịch sử và các học
thuyết (Sử và Tử). Dĩ nhiên người viết truyện phải gạt bỏ, phi bác những
sai lầm có hại trong ba yếu tố đầu như Kinh không hợp thời, Sử không
trung thực, Tử tức là Triết học không tích cực, lành mạnh, không đem lại
giải pháp gì cho nhân sinh. Không vì thế mà người viết truyện tránh né
những nguồn tham khảo ấy với thái độ của một con đà điểu vùi đầu trong
cát để tránh bão … Theo mình cách viết Truyện truyền thống phải tham
khảo ba yếu tố đi trước nó và như thế mới có giá trị”
“Như thế thì khó quá vì người viết truyện bị hạn chế nhiều, đồng thời cách
viết đó đòi hỏi bản thân người viết phải thật sự uyên bác.”
“Phải uyên bác và phải làm việc nghiêm cẩn mới được. Như thế văn
chương không phải là một sân chơi, cũng không phải là động cát trong sa
mạc để các nhà văn đà điểu chạy trốn thực tại, rút đầu vào cát tránh né,
quảng bá một thứ văn chương hũ nút, nhưng văn chương đích thực phải là
một đền thờ để dấn thân hành đạo. Vì thế cho đến nay mình vẫn chưa dám
viết gì nhiều ngoài những bài viết trong báo tỉnh và báo ngành.”
Huỳnh Hiển tán thành và nở một nụ cười nhẹ nhàng. Bất chợt chàng có
thêm một thắc mắc:
“Lần trước cậu có nói với tôi hơi khác, cậu nhớ không? Cậu nói về bút
pháp tam- tài gì đó.”
“À hồi uống rượu ngày trùng cửu ở quán bà Ba Phi chứ gì? Tôi nhớ rồi…
Hôm đó tôi nói về nghệ-thuật-viết qua bút pháp phải thể hiện đầy đủ ba cái
lớn là Thiên-Địa- Nhân hoặc theo Heidegger là tứ trụ: Thiên- Địa- Nhân-
Thần. Thật ra Thiên với Thần là một như cậu đã biết qua hai câu Chí thành
như Thần và Chí thành đại thánh (Đại Thánh=Thiên). Sự phân biệt của