con bà. Vẻ dịu dàng của Tuấn Nhơn chỉ là cái vỏ bọc lễ giáo mà người cha
vốn là nhà nho truyền dạy. Bên trong vỏ bọc ấy là một sự khắc nghiệt và
nhẫn tâm trong chiều sâu vô thức. Trái lại thằng út Tuấn Nghĩa của bà khác
hẳn. Bên dưới vẻ khô khan ít nói là một tâm hồn nhân hậu.
Hôm chia tay Ngọc Thu, Tuấn Nhơn nói:
“Mình chỉ tạm thời xa nhau thôi do yêu cầu của cuộc kháng chiến. Anh sẽ
tìm cách lẻn về thăm em và con; khi đường dây giao liên được thiết lập, em
sẽ qua làng chài và vào cứ thăm anh.”
“Vâng em cũng nghĩ như anh,” Ngọc Thu âu yếm nói, giờ đây cô đã yêu
Tuấn Nhơn say đắm không như ngày mới cưới nhau.
“Em có biết anh thèm được ôm em và tận hưởng hạnh phúc với em
không?”
“Em biết và em cũng cần anh vô hạn nhiều lúc như hóa ra điên dại.”
“Thôi em và con về bình an.”
“Và anh cũng bảo trọng,” Ngọc Thu nói mà nước mắt lưng tròng.
Thật vậy, nàng rất cần chàng vì tình yêu mà có lẽ vì nàng có một dục tình
mạnh mẽ hoang dại được nuôi dưỡng bởi nắng gió, bởi màu xanh miên
man thôn dã và dòng sông chảy siết như sự gào thét âm thầm trong thân
xác nàng những lúc đòi yêu. Sự eo sèo ấy của thân xác chỉ chịu im tiếng
khi nàng được Tuấn Nhơn xâm nhập chiếm lĩnh và làm cho thỏa mãn trọn
vẹn. Vả lại nàng cũng muốn sinh cho Tuấn Nhơn một đứa con của chàng,
vì Khánh Dung là con của Huy Phụng mà chỉ một mình nàng biết.
Đồng thời nàng thấy chưa bao giờ nàng yêu đảng như hiện nay. Sau đó
nàng cũng yêu quê hương nữa. Nhưng nàng yêu quê hương trong những cái
cụ thể nghèo nàn của nó như chùm khế ngọt (nhiều khi hái trúng trái chua
lè), như vầng trăng tỏ (gặp thời mây phủ sơn khê) như con đò nhỏ (trong
khoang giấu súng AK). Đặc biệt trong những cái rất cụ thể nơi Tuấn Nhơn,
nàng đâu biết rằng nó giống như sự quyến rũ của xác thịt và tính dục được
thăng hoa nhưng không thanh thoát được, nên đã trở thành một nỗi ám ảnh
thường xuyên như cơn khát tình giày vò nàng trong nỗi chết.