chỗ nằm. Bắt đầu nhớ ra cha ông mình hình như nằm nơi nào đó xa lắm.
Bắt đầu nghĩ không biết họ nằm kiểu nào, tộc họ ở đó có còn ai không. Vậy
là hình thành những cuộc về, dù là về trong ý nghĩ của một người nằm
bệnh. Là tôi hình dung vậy, cho những ông bà già tự dưng háo hức.
Mỗi cái đám giỗ ở nhà là mỗi lần gặp được một vài gương mặt mới, do
một phần nỗ lực kết nối của ba tôi. Lần gần nhất, bọn trẻ chúng tôi chào hỏi
mấy ông chú già cóc kiết ở Vĩnh Long xuống. Ba tôi nghẹn ngào, ông già
tóc búi củ tỏi trưởng đoàn bên kia cũng khóc. Họ đi cả xe, già trẻ mười mấy
người, không phải ai cũng xúc động, cũng sốt sắng cái mối thâm tình họ
hàng mới nối lại này. Có thể vì họ còn trẻ, như tôi, cố chiều chuộng những
ông già và che giấu phần nào hờ hững, “mấy người lạ hoắc này là bà con
với mình sao, để làm gì?”.
Ít nhiều tôi cũng tò mò cái cảm giác bịn rịn với họ hàng xa, mà một mai
thời gian sẽ tặng kèm theo với tuổi già, nếu tôi không bị rơi vào ngoại lệ.
Thứ tình cảm mà ba tôi đang có, phải đợi. Lại nhớ ông ngoại tôi, chiến
tranh xong chèo xuồng từ Cà Mau về Hà Tiên, hành trình men theo sông
nước ròng rã. Lại nhớ bà bạn già thoát ly gia đình kể từ khi làm mẹ đơn
thân, suốt quãng chơi với nhau gần như bà không kể chuyện nhà. Vài năm
trở lại đây bà bỗng thường nhắc tới anh chị em mình, bảo chút nữa chạy đi
ăn cơm với chị Chín, vài hôm nữa đi thăm chị Ba. Những bà già chẳng còn
mấy thời gian nữa. Thứ thâm tình ấy lúc trẻ chắc bà coi nhẹ như không.
Cái câu hỏi ta đến từ đâu còn lửng lơ trên những ngả đường miền Tây rất
lâu. Con cháu của những người Trung khẩn hoang giờ nghe giọng Quảng
như ngoại ngữ; con cháu những người Bắc di cư đã đổi thế nhé thành dzậy
hén, rỗi thành quỡn rất sành. Màu mắt lạ trên gương mặt con cháu của
những cô gái Việt cùng quân nhân Pháp, Mỹ đã từng tham chiến ở Việt
Nam. Và cả những đứa trẻ lai Hàn Quốc, Đài Loan trên những chuyến xe
đường dài về miền Tây, tụi nó cũng đang không ngớt hỏi nhà ngoại ở đâu.
Cái dòng máu bạt mạng giang hồ của những người đã từng sẵn sàng bỏ
lại hết: quê xứ, chùa chiền, mồ mả người thân, dấn thân vào những vùng đất
mịt mờ, dòng máu ấy truyền mấy chục đời vẫn chưa lợt lạt bao nhiêu.