SỔ GHI ĐI ĐƯỜNG (2)
M
ường tượng ở đó có đôi ba em bé đang chơi chọi lon trên khoảng
sân lơ phơ lúa rày, một bà già ngồi trở mớ chuối ép phơi vừa héo mặt. Vài
người đàn ông đốt rơm nướng trui cá lóc cạnh mé kinh. Vườn rất xanh, lúp
xúp cỏ chân vườn bên hàng rào thấp. Nhưng biết đâu, ở đó chỉ có một xóm
nhỏ bỏ hoang vì đất đai khô hạn, và người đàn bà điên dại vẩn vơ nhai tóc
bên bụi trâm bầu.
Nỗi tò mò ngọ nguậy mỗi khi tụi mình đi ngang qua mấy con đường
mòn nhỏ chạy mút tí tè về đâu đó.
Gầy gò gối đầu vào đường cái, không mời gọi, cũng không có vẻ gì trốn
tránh, lộ xóm có thể trải đá xô bồ hay kê bằng tấm bê tông vừa vặn cho một
xe máy, hoặc chỉ là đường đất dưới những tàng cây. Đường thẳng băng nhỏ
dần như sợi chỉ ở cuối tầm mắt, hay nhiều khúc quanh cùi chỏ. Đường vắng
tanh hay có một bầy trẻ con vừa tan học chấp chới khăn quàng. Quang cảnh
chỗ vầy chỗ khác, nhưng những ngả đường quê có một điểm giống hệt nhau
là không đưa ra lời hứa hẹn chắc chắn nào. Nếu quốc lộ, tỉnh lộ hay những
con đường liên huyện đầy ổ voi ổ chó thường xởi lởi với khách bộ hành
bằng bảng chỉ hướng đi, cột cây số “Trảng Gió – 53km”, “Mỹ Lạc – 36km”,
thì ngõ xóm nẻo quê mù mịt. Không đi, sẽ chẳng thể biết chính xác những
gì đang chờ đợi tụi mình. Dùng chữ “chờ đợi” có khi sai, mọi thứ mà con
đường mòn mang theo cùng, chúng vẫn thanh thản tồn tại dưới vòm trời,
không quan tâm tụi mình có ngang qua hay không.
Khi những điểm đến gây thất vọng với ngôi chùa ngập trong tiền lẻ và
hàng quán bán thịt thú rừng, bãi biển đầy rác, núi non trơ trụi không có
bóng cây, tụi mình dành nhiều thời gian hơn cho dọc đường, cho con lộ quê