MẤY CỤM KHÓI RỜI
S
áng nào xóm hẻm cũng ướt. Nước triều từ ngoài sông tràn vào con lộ
nhỏ, nước nhểu ròng trên những bộ quần áo phơi rợp dãy rào xiêu, nước
giặt rửa từ trong nhà hắt ra đầy váng xà bông, rau cải úng. Nước mắt nước
mũi trẻ con đòi tiền quà bánh, bên cạnh mấy bà mẹ ngồi hong mớ tóc vừa
gội xong. Những làn da tối màu làm thành một khối sẫm im lìm trong con
hẻm thấp tối.
Không biết biến động nào khiến người ta bứng nguyên cái xóm Khmer
từ miệt Bảy Núi về trồng trong lòng thành phố, cùng với ngôi chùa. Dân
quen gọi hẻm Khờ Me. Lần nào qua đó cũng nghĩ gần năm mươi năm rồi
mà họ vẫn như rớt như rời. Không phải vì tóc xoăn và mắt to, viền mi đậm,
làn da sẫm không lẫn vào sắc tộc khác, mà sự lơ vơ cứ hiện lên trong cả đời
sống, ánh nhìn, cách ngồi. Dòng chảy đô thị chẳng làm cho họ thôi sống trễ
nãi trong những căn nhà xập xệ, và chẳng ai biết họ nghĩ gì qua ánh mắt
không đậu vào đâu.
Điểm nhìn cuối chắc là rất xa, nơi có cánh đồng với những chòm cây
thốt nốt, bầy bò ốm cùng với những bãi cỏ úa mùa khô. Là tôi hình dung
vậy. Trong dáng đứng ngồi bất động, họ lang thang qua hội đua bò nơi đôi
vợ chồng (khi hãy còn ở tuổi mười lăm, mười bảy) đã lẻn đi chơi lần đầu
cùng nhau.
Núi đá vôi thấp mà người đàn ông đã từng lần theo đường mòn gài bẫy
thú. Buổi lễ cúng trăng giữa sân chùa trong tiếng nhạc ngũ âm.
Những đứa trẻ trèo nhánh cây sầu đâu vừa gõ hợp âm vừa hát nghêu
ngao. Ở miền ký ức, không khí lễ hội chưa cạn đến đáy lại đầy, mỗi năm có
đến vài ba cái tết. Nhưng biết đâu họ không nghĩ gì hết, quá khứ thì xa xôi,