XỨ SƯƠNG
E
m kể hôm cưới sương mù cũng nhiều như chiều nay, đón dâu từ bãi
sông lên đến nhà trai, đoàn người ướt rượt. Cả xóm coi đám cưới em là cổ
tích-Lọ Lem không cha, cư dân trôi nổi của bãi sông, lấy chồng phố cổ. Nói
tới đó, em ngó xuống cánh tay bó bột của mình. Đoạn xương ống gãy lìa
bởi cú đánh thô bạo của người mà một ngày sương năm trước là chàng rể
xùng xình trong bộ com-lê.
Quán nước em nép bên nhà chờ xe buýt, khách ái ngại ngó cánh tay nặng
trịch treo trước cổ người đàn bà mười chín tuổi. Trẻ như vừa mở mắt đã
thành đàn bà. Ốm và xanh như vừa chui trong ống tre ra. Ba ngày trước, em
bắt đầu dọn quán với cánh tay ăn bám. “Quen nhau hơn tháng là cưới luôn,
ai cũng bảo chồng trông có vẻ hiền từ”, em kể, tráng cốc qua nước sôi bằng
một tay. Khách chờ xe, hớp ngụm trà chát đặc, nói ba khơi, “chắc tại yêu
đương trong mùa sương mờ mịt, nên nhìn không rõ”.
Xứ này nửa cuối thu, vắt sang đến giữa xuân, là mùa sương. Giữa ngày
đi xe máy phải bật đèn pha, cách nhau tầm tay với nhìn không rõ mặt. Ra
đường nghe mi mắt nặng, cảm giác rất rõ sương đang tụ thành nước ai ái
trên da. Quê khách hai mùa nắng mưa ráo hoảnh, nét nào ra nét ấy, nên gặp
bữa đất trời một màu trắng đục huyền ảo như vầy mừng thấy ông thấy cha,
hít hà kêu thiệt là lãng mạn. Giá của cuộc đi bộ phơi sương là cả tuần ho,
hít thở sâu nghe đâu đó trong buồng phổi kêu lép xép.
Bữa suýt va vào xe chở gà, ba chữ “muốn chết à” vẳng ra trong bức màn
sương nghe đỡ sắc nhọn hơn lúc trời nắng oi. Lúc ấy nghĩ cái cay nghiệt,
khốc liệt của cuộc đời bị sương làm cho bớt chói. Người ta buộc đi chậm,
thôi hớt hải. Buộc đắn đo, ai biết được đằng trước có gì, khi tầm nhìn chỉ đo