NGƯỜI NƠI BIÊN GIỚI
“T
ụi bạn tôi vẫn nhớ ông già cậu. Chịu chơi hết cỡ. Có bữa tôi đưa
mấy thằng bạn đi chơi, tới khúc Láng Gáo thì gặp mưa, ghé nhà cậu đụt. Ai
ngờ mới nói ba điều bốn chuyện, ông già cậu đi bắc nồi nước sôi vật con
heo nhỏ ra mần, nhậu. Đám bạn tôi bị ổng xây chừng cho xỉn quắc cần câu,
chục năm sau vẫn khen gặp đúng dân miền Tây thứ thiệt, nhiệt tình đến
mức khách thấy không nỡ ra về”.
Thằng con hay nghe người ta nhắc tới cha mình, mỗi khi nó trả lời câu
hỏi quê xứ ở đâu. Cái tên Láng Gáo vừa nảy khỏi môi thằng nhỏ, họ kêu lên
“ờ, khúc đó tôi có biết ông nông dân chơi được lắm”. Chơi được, móc ruột
gan ra đãi khách, hết mình, phóng khoáng, hào sảng dễ sợ, những từ ngữ
mà người ta mô tả ông già khiến thằng con chóng mặt, đôi khi. Những cái
vỗ vai thân tình nó nhận được của lần gặp đầu tiên, đã được người cha
nhóm lên đâu từ năm, mười năm trước.
“Mà lúc tụi tôi ngồi ở nhà cậu nhậu, cậu là đứa nào trong đám nhỏ nheo
nhóc ở chái sau?”.
Ờ, lúc đó mình làm gì, ở đâu, thằng con tự hỏi. Mình chắc đang giành
cơm cháy rưới nước mắm với mấy đứa em gái, đang rượt bắt con gà mái đẻ
cuối cùng trong bầy để hầm sả đãi khách. Hoặc mình phụ mẹ dọn mấy
nhánh chà dưới ao để chài cá trắm cỏ. Cũng có thể mình đang khóc nức nở
ngoài vườn, thương con Lá vừa bị giết thịt lúc trưa.
Lá là con heo bảy tuổi, nhưng chỉ vừa với vòng tay trẻ lên mười của
thằng con, khi đó. Con heo đèo đẹt lúc rã bầy không ai rước, mấy đứa nhỏ
xin má giữ lại làm thú cưng trong nhà. Lá không chịu lớn, như món quà trời
cho đám trẻ nghèo. Lũn đũn quấn theo chân tụi nhỏ, trò nào không có nó thì