Mớ danh thiếp khách để lại, người cha tưng tiu đem cất trong tủ áo mỗi
năm mỗi dày thêm. Một bữa thằng con tính hốt đem đi đốt. Ngồi coi từng
miếng, nhận ra những người từng làm khách nhà nó, họ ở khắp nơi, làm đủ
thứ nghề. Lúc đó thằng con đang thất nghiệp, buồn tình gọi vào một số điện
thoại hú họa chơi, ngờ đâu đầu dây bên kia hồ hởi, “Ai chớ con của Hai Võ
Láng Gáo là tao chịu liền. Công ty đang tuyển lính giao hàng nè, đem hồ sơ
tới ngay. Ờ mà, thằng cha mày còn mạnh giỏi?”.
Ông già đã về đất hồi đầu năm. Đám tang đông người đến tiễn. Ở tỉnh
người ta còn gởi mấy vòng hoa tươi xuống, khiến cuộc tiễn đưa thường dân
Hai Võ ngang hàng với chủ tịch xã vừa đột tử trước đó.
Ai đó làm thơ trật nhịp đọc trước khói nhang, “Anh mở lòng ra với đất
trời/ Chịu chơi đâu có sợ mưa rơi/Anh đi chỉ tụi này ở lại/Láng Gáo về đây
chơi với ai”.
Nhưng ông già vẫn sống theo nghĩa nào đó, thằng con nghĩ vậy. Đó là
những lúc nó nhận được cái vỗ vai, cái bắt tay mừng tủi như người thân
thiết, nghe họ nhắc “hồi tao tới chơi, ông già mày hồi xưa vét lúa giống đi
bán để mua mồi nhậu”. Thằng con thấy mấy chữ “khách ăn thì còn…”
không phải không có lý.
Chỉ là, nó không sao quên được bữa cháo gà còn dư đám nhỏ ăn xong
xỉn queo vì rượu khách đổ trong ấy, không quên chót đuôi con heo Lá còn
phất phơ lông trên sàn nước. Mẹ nó kể lúc bị bắt Lá giãy dữ quá, cây mác
vót xớt đứt đuôi. Thằng con không quên cảnh mình ngồi bờ vườn, khóc thôi
là khóc.
Không còn ghét người cha quá cố, nhưng thằng con vẫn không sao dứt
thương mẹ, cái cảnh người đàn bà để nguyên bộ mình ướt sau khi kéo cá
dưới ao đãi khách của chồng, bưng tô cơm nguội ăn với muối tiêu.