mất vui. Lúc cần thì êm mượt như búp bê nằm lim dim trên tay con gái,
cũng có khi Lá xồng xộc lội càn qua kinh theo đám nhóc bắt chuột đồng.
Một bữa tụi nhỏ đi học về, thấy con Lá nằm phơi bất động trên sàn nước,
trắng phau như nhồi bằng bông, khoang bụng mở ra trống hoác.
Nhà có khách.
Nhà vẫn thường có khách. Có tới sáu bài báo mà thằng nhỏ còn giữ lại,
viết ca ngợi gia đình nó, rằng đi tới miệt này mà không đặt chân đến vườn
cò coi như chưa biết Láng Gáo, nhưng đi vườn cò về mà không ghé nhà Hai
Võ ở đầu kinh thì không biết nết chơi của dân miền Tây. Hỏi huyện trưởng
tên gì không nhiều người biết, nhưng hỏi người chịu chơi nhứt xứ này, cả
xóm đều nói “Hai Võ chớ ai”.
Nông dân, học không tới đâu, cũng chẳng giàu có, nhưng cha thằng nhỏ
nổi tiếng vì hiếu khách. Nếu lá dừng vách nhà có thể ăn được, có khi ông
dỡ ra đãi thiên hạ luôn. Ăn nói không tệ, ít thôi nhưng lời nào đáng lời ấy,
kiểu như bẻ đuôi lươn cho khách, thể nào ông cũng buông câu “nhứt đuôi
lươn, nhì cái lườn con em vợ”.
Bầy trẻ lớn lên, quen với cảnh khách lảng vảng trong nhà. Có khi họ còn
ngủ lại vài đêm. Cha tụi nó hay nói “ở đời phải duyên mới gặp, chớ đâu mà
dân tuốt ngoài thủ đô cũng ghé chơi”. Hồi đầu tụi nhỏ còn tiếc những thứ
ngon bưng mời người dưng, sau sẵn sàng ăn cơm với kho quẹt nhường vịt
luộc phay cho khách, như thường. Những đồ ăn dư sau buổi họ ra về, tụi
nhỏ háo hức vét dĩa bất kể chúng phảng phất thứ rượu đổ tháo khi cụng ly
cụng chén.
“Khách ăn thì còn…”, câu đó bà mẹ vẫn nhắc đám trẻ hoài, bằng sự nhẹ
nhõm của chính bà. Chồng kéo khách về nhà, dù nửa đêm, vợ vẫn vui vẻ
đốt lửa nướng cá khô. Chưa bao giờ trong nhà cạn thứ rượu thơm dịu bà tự
nấu. Chồng biểu làm gà bà trói gà, kêu làm cá thì te te đi lưới cá. Bữa tụi
nhỏ khóc con Lá quá, bà mẹ kêu ra vườn mà khóc, đừng để khách nghe, họ
buồn.
Đó là lần đầu tiên thằng con oán cha, ghét những người khách trong nhà
mình. Nó thường bỏ đi mỗi khi có người lạ ghé. Có lần trèo cây me trên
đường, người ta hỏi nhà ông Hai Võ, thằng nhỏ chỉ qua bên đình Gáo.