ĐONG TẤM LÒNG - Trang 90

MUA ĐI BÁN LẠI MỘT ĐÁM ĐÔNG

N

ăm trước đưa thằng nhỏ đầu lòng thẳng vô lớp một chỉ tốn chai rượu

tây xách tay, năm nay nhà trường nhận chuẩn quốc gia nên phải lót đường
năm triệu cho con nhỏ em qua cổng. Nói gì xa, góp tiền cúng đình cũng
phải tăng gấp đôi coi mới được. Thằng em học đại học Mỹ thuật xong, giờ
ngồi vẽ bảng hiệu, bởi vì bán chữ nhiều tiền hơn, ai cũng muốn treo mấy
chữ Tài Lộc trong nhà. Đá Đỏ bị đem bán cho tư nhân làm du lịch, họ sẽ
san núi bạt rừng trồng mấy con rồng xi măng lên, sơn màu hàng mã cho coi.
Vườn chùa ngoại thành đang bán mấy chỗ nằm đẹp, nhà có người già nên
mua để sẵn, sau này biết đâu không còn đất.

Những câu chuyện bán mua rời rạc này chúng ta vẫn thường nhặt nhạnh

từ buổi ăn vặt, cuộc cà phê hay trong lúc chờ xe rời bến. Cái giọng điệu của
người góp chuyện cũng bình thản như cảm giác của người nghe. Dù hàng
hóa trong những cuộc mua đi bán lại đó không phải mấy món thông dụng
kiểu như gạo, rau, hay nắm xôi, cái áo. Bất cứ gì cũng là hàng hóa, lạ chi.
Sống trong tâm thế của một kẻ đi chợ, và cả nước là một cái chợ khổng lồ,
hàng họ đa dạng đến mức mua gì cũng có, kể cả mua thần bán thánh, chức
tước, trinh tiết, nội tạng người… chúng ta bớt bỡ ngỡ đi. Giống như câu mà
trẻ con hay đùa, “trước còn mắc cỡ giờ đỡ nhiều rồi”. Người ta có thể mua
dặm dài bờ biển để làm khu nghỉ dưỡng, mua một vùng đất để khai khoáng,
mua cả dòng sông làm thủy điện, thậm chí biết đâu còn mua lại được mạng
sống từ cái án tử hình.

Dừng lại vài phút ở chương trình tiêu dùng chán ngắt của truyền hình

tỉnh lẻ, thấy được lý do vì sao nó chán ngắt. Người xem bây giờ đâu chỉ
quan tâm tới giá vàng thế giới, và mặt hàng thiết yếu đâu chỉ gạo với xăng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.