tính chuyện trăm năm, nên sắm sửa bộ ván ngựa bằng gõ đỏ, xây được cái
nhà tường, tậu được vài chục công đất, trồng những cây ăn quả lâu năm.
Gia tài bất động, vì họ tin còn truyền mãi tới những đời sau. Giờ tụi con
cháu chỉ mơ tiền với vàng, thứ gia tài dễ lận theo bên mình những khi thế
thời trở cuộc.
Mấy ông già bên xóm cũng nói, đất mà chìm xuống thì sắm chiếc ghe,
nước tới đâu mình theo tới đó, hơi đâu lo. Cha ông mình hồi xưa cũng vậy
thôi, từ bỏ quê xứ tiến sâu về phía Nam, nơi cuộc nội chiến và sự hà khắc
của triều đình phong kiến không với tới. Bản đồ đất nước được vẽ lại, nới
rộng thêm ra từ chính những cuộc dứt áo ra đi, bỏ lại mồ mả ông bà, chùa
chiền, láng giềng, gió và cát.
Ở miền Tây này, ai mà không thấy chút bóng mình trong bài hát Thuyền
viễn xứ “chiều nay gửi tới quê xưa, biết là bao thương nhớ cho vừa”, ai
không thừa hưởng chút máu lang bạt của cha ông. Chẳng của người xứ
Quảng xuôi Nam thì cũng từ người Minh Hương vượt biển, người Công
giáo phía Bắc di cư. Cứ nhìn mấy cô dâu Việt ríu rít rủ nhau đi lấy chồng xa
xứ, là thấy cái máu nổi trôi nó mạnh mẽ đến mức nào. Liều lĩnh, và có phần
bất chấp. “Chiều nay trên bến muôn phương/có thuyền viễn xứ nhổ neo lên
đường”
Nhưng mường tượng cái cảnh con cháu mình sống đời nổi nênh trên
ghe, thèm bóng mát một cái cây, thèm nhìn thấy một vạt sân đầy hoa mồng
gà và hoa nhái ngày tết, thèm trồng tưới luống rau, thèm mảnh đất để trẻ nít
chạy cho đỡ tù chân. Lúc ấy thân xác mình xóc tréo dưới đáy sâu (nơi từng
là sân nhà cũ) đã chảy thành nước, nhưng hồn mãi không tan được bởi ý
nghĩ mình nợ con cháu một bến bờ. Hồi xưa, phải chi tụi mình đừng có
phẩy tay tặc lưỡi cho qua.
Hình dung ấy không thấy vui gì hết.