DẪN NHẬP
Miếng ăn, tiền mặt, xèng, đồng, bạc, hào... cho dù bạn gọi nó là gì thì
tiền vẫn quan trọng. Với người Ki tô giáo, lòng yêu tiền là nguồn gốc của
mọi tội lỗi. Với các vị tướng, tiền là tài lực nuôi chiến tranh; với các nhà
cách mạng, nó là gông xiềng của tầng lớp lao động. Nhưng thực sự thì tiền
là gì? Có phải nó là một núi bạc như các nhà chinh phục người Tây Ban
Nha từng nghĩ? Hay chỉ cần là những phiến đất sét và những tờ giấy in?
Làm thế nào mà chúng ta lại sống trong một thế giới nơi hầu hết tiền bạc
đều vô hình, không nhiều nhặn gì hơn những con số trên màn hình máy
tính? Tiền từ đâu đến? Và chúng đã biến đi đâu?
Năm 2007 thu nhập của một người Mỹ trung bình (dưới 34.000 đô la
chút ít) chỉ tăng suýt soát 5%.
Trong khi đó chi phí sống tăng 4,1%. Như
vậy trên thực tế, ông Trung Bình chỉ giàu có hơn trước 0,9%. Nếu tính cả
lạm phát, thu nhập của một hộ gia đình tầm trung vị
không thay đổi kể từ năm 1990 và chỉ tăng có 7% trong suốt mười tám năm
qua.
Hãy thử so sánh tình trạng của ông Trung Bình với Lloyd Blankfein,
giám đốc điều hành Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs. Năm 2007, ông
Lloyd nhận được 68,5 triệu đô la tiền lương, tiền thưởng và cổ phiếu
thưởng, tăng 25% so với năm trước, và gấp gần 2.000 lần thu nhập của một
anh Joe Trung Bình. Cũng cùng năm đấy, doanh thu thuần của Goldman
Sachs đạt 46 tỷ đô la, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hơn một
trăm quốc gia, trong đó có Croatia, Serbia và Slovenia; Bolivia, Ecuador và
Guatemala; Angola, Syria, và Tunisia. Tổng tài sản của ngân hàng này lần
đầu tiên vượt mức 1.000 tỷ đô la.
Nhưng Lloyd Blankfein còn lâu mới là
người kiếm được nhiều nhất trong giới tài chính. Nhà quản lý quỹ phòng hộ
kỳ cựu George Soros đã kiếm được 2,9 tỷ đô la. Ông Ken Griffin ở công ty
Citadel, cũng như những người sáng lập hai quỹ phòng hộ hàng đầu khác,
đã bỏ túi hơn 2 tỷ đô la. Trong khi đó, gần một tỷ người trên thế giới phải
sống với thu nhập 1 đô la mỗi ngày.