bạc không chỉ là một thứ kim loại trang trí, sáng lấp lánh. Nó có thể biến
thành tiền: một đơn vị kế toán, vật trữ giá trị - thứ quyền lực có thể mang
theo người.
Để khai thác mỏ, người Tây Ban Nha trước tiên dựa vào việc trả lương
cho dân cư sống ở các làng gần đấy. Nhưng các điều kiện khắc nghiệt tới
nỗi kể từ cuối thế kỷ 16, họ đã phải thiết lập hệ thống lao động cưỡng bức
(la mita), trong đó đàn ông tuổi từ 18 tới 50 ở mười sáu tỉnh cao nguyên
phải đi phu lao động mười bảy tuần mỗi năm.
Tỷ lệ tử vong đối với các
thợ mỏ thật khủng khiếp, một phần lớn là bởi tiếp xúc thường xuyên với
khói thủy ngân do quy trình tinh chế ngoài trời, khi quặng bạc đào lên được
nghiền nát vụn thành một hỗn hợp cùng với thủy ngân, sau đó được rửa và
đun nóng để thủy ngân bốc hơi.
Không khí dưới hầm mỏ thời đó (và cả
bây giờ) rất độc hại, thợ mỏ phải xuống các giếng sâu 700 bộ (213 mét) trên
những bậc thang sơ sài, rồi leo lên lại sau nhiều giờ đào xới với các bao tải
chứa quặng đeo trên lưng. Các vụ đá rơi đã giết chết và làm bị thương hàng
trăm người. Theo lời của Domingo de Santo Tomás, thành phố Potosí với
con sốt khai thác bạc mới xuất hiện là "miệng của địa ngục, nơi có vô số
người bước vào mỗi năm và bị lòng tham lam của người Tây Ban Nha đem
hiến sinh cho 'vị thần' của họ". Rodrigo de Loaisa gọi các mỏ này là các "hố
địa ngục" và nhận xét "nếu hai mươi người da đỏ khỏe mạnh bước vào đấy
hôm thứ Hai, một nửa sẽ đi ra què cụt vào ngày thứ Bảy".
Thầy tu Fray
Antonio de la Calancha dòng Augustine viết năm 1638: "Mỗi đồng peso
được đúc ở Potosí lấy đi mạng sống của mười người da đỏ vùi xác sâu dưới
những hầm mỏ." Khi lực lượng lao động bản xứ kiệt quệ, hàng nghìn nô lệ
châu Phi được mang đến để thay thế vị trí của họ như những "con la người".
Thậm chí ngày nay vẫn còn có cái gì đó giống như địa ngục trong những
giếng lò và đường hầm ngột ngạt ở Cerro Rico.