hơn gì một chimera - con quái vật huyền thoại mình dê đầu sư tử đuôi thằn
lằn - trong truyền thuyết cổ đại.
Có lẽ, ngẫm nghĩ kỹ lại, chúng ta trước đây đã từng trải qua việc này.
Một trăm năm trước, vào kỷ nguyên toàn cầu hóa lần đầu tiên, nhiều nhà
đầu tư đã nghĩ rằng có một mối quan hệ cộng sinh tương tự giữa trung tâm
tài chính của thế giới là nước Anh với nền kinh tế công nghiệp năng động
nhất trên lục địa châu Âu. Nền kinh tế đó là Đức. Khi đó, cũng như ngày
nay, có một đường phân định rất mập mờ giữa sự cộng sinh và ganh đua.
Liệu có bất cứ điều gì có thể châm ngòi cho sự sụp đổ lần hai của toàn
cầu hóa giống như điều đã xảy ra vào năm 1914? Câu trả lời rõ ràng là sự
xấu đi trong các mối quan hệ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, dù là về
phương diện thương mại, Đài Loan, Tây Tạng hay một vấn đề nào khác còn
nằm trong tiềm thức.
Kịch bản này trông có vẻ khó thành sự thực.
Song điều dễ thấy là các nhà sử học tương lai có thể xây dựng một cách hồi
cố các chuỗi quan hệ nhân quả hợp lý để giải thích cho một diễn tiến như
vậy. Những người ưa tố cáo "tội gây chiến" hẳn sẽ buộc tội cho một nước
Trung Quốc mỗi lúc một năng nổ, nhường cho những người khác rên rỉ
trách tội chểnh mảng của kẻ khổng lồ Mỹ đang rệu rã. Các học giả trong
lĩnh vực quan hệ quốc tế chắc hẳn sẽ quy các căn nguyên mang tính hệ
thống của chiến tranh cho việc phá bỏ tự do thương mại, sự cạnh tranh
giành nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoặc sự xung đột giữa các nền văn
minh. Diễn đạt bằng ngôn ngữ lý giải lịch sử, người ta có thể đọc ra khả
năng cao đến rợn người về một tai họa lớn vào thời đại chúng ta, như kiểu
năm 1914. Một số người thậm chí có thể còn đi đến kết luận rằng sự tăng
vọt của giá hàng hóa trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2008 đã phản ánh
một dự đoán vô thức nào đó trên thị trường, về một cuộc xung đột sắp diễn
ra.
Một bài học quan trọng của lịch sử là các cuộc chiến tranh lớn có thể
xuất hiện kể cả khi toàn cầu hóa về kinh tế đã phát triển rất cao và vị thế bá
chủ của đế chế nói tiếng Anh dường như đã khá vững chắc. Bài học quan
trọng thứ hai là thế giới càng tồn tại lâu mà không xảy ra xung đột lớn nào