- Tôi chẳng hiểu chút gì về khoa học này cả - Pêpê trả lời - Tôi không
bao giờ thích vùi mình vào đống bụi hoang tàn ấy cả.
Ông Cagiêtanô phác một cử chỉ đầy ý nghĩa.
- Nói thế không phải là chê bai khoa khảo cổ học - Pêpê vội vàng thanh
minh. Anh cảm thấy đau lòng vì mình không nói một câu nào không làm
tổn thương người này hay người khác - Tôi biết rất rõ là từ những bụi đất
đó người ta khơi ra lịch sử. Những việc nghiên cứu ấy rất quý, rất có ích.
- Cậu - Lão cố đạo rửa tội thọc cái tăm vào chiếc răng hàm cuối cùng và
nói - Cậu có xu hướng về khoa tranh biện. Giờ đây, tôi nảy ra một ý kiến
rất hay. Cậu Hôxê, cậu phải trở thành trạng sư.
- À. Nghề trạng sư là một nghề tôi rất ghét - Pêpê Rây trả lời - tôi biết có
những luật gia rất đáng kính, trong đó có cha tôi là người hơn hẳn trong số
những người đáng kính ấy. Mặc dù có một tấm gương rất tốt, nhưng tôi
không thể để cả đời mình cứ phải làm một việc ba phải là bảo vệ cái đúng
cũng như cái sai của mọi vấn đề. Tôi không biết có sai lầm, lo toan nào mù
quáng hơn là sự áp đặt của các gia đình cố hướng phần đẹp nhất trong tuổi
thanh xuân của con cháu vào nghề luật. Cái tai họa trước tiên và ghê gớm
nhất của Tây Ban Nha là hiện tượng thanh niên đổ xô vào nghề luật. Và để
cho nghề này tồn tại được, cần phải có thật nhiều vụ lộn xộn, kiện cáo
nhau. Những vụ tranh chấp tăng lên theo nhu cầu. Mặc dù vậy, vẫn có rất
nhiều luật sư không có việc làm, và vì… một ngài luật sư không thể mó vào
cái cày, cũng không thể ngồi vào máy dệt, từ đó nảy sinh một lớp người
lười biếng đầy những ý đồ đen tối: xui nguyên giục bị mong kiếm được
công việc, làm biến động chính sách, khuấy động dư luận, và gây ra những
vụ bạo loạn... Nếu mọi người luôn luôn tranh chấp, kiện cáo nhau thì thật là
một bất hạnh lớn.
- Pêpê, lạy Chúa tôi, cháu đang nói cái gì thế? - Bà Perfêcta nói với
giọng gắt gỏng cay nghiệt - Thưa đức cha Inôxenxiô, xin ngài tha lỗi cho
cháu, vì nó không biết là ngài có một cháu trai tuy vừa mới tốt nghiệp đại
học, nhưng là một tay cự phách trong giới luật.