HAI MƯƠI
Ô
ng lái xe vô đám đất trống, đậu ngay dưới gốc cây khế. Ra đón là
một người đàn bà lạ mặt. Không phải mẹ của Vân, nhưng bà ta cười rất
tươi.
- Chào anh. Hôm nay anh đi rước dâu mà không có cô dâu ở nhà.
Ông cũng chào người đàn bà dù không biết là ai. Mẹ Thuỳ Vân vừa
đến.
- Đây là dì của con Vân.
Nhân vật này ông đã từng nghe danh. Mẹ Thuỳ Vân xếp đương sự vào
loại "ngồi lê đôi mách". Cứ lâu lâu lại đến nhà hỏi: "Sao lâu quá không thấy
con Vân? Sao Tết này nó không về? Bộ nó bị công an bắt hả? Nó làm cái
giống gì ở trên Sài Gòn mà bị ở tù vậy?" Bà mẹ phải nói là Vân đi hợp tác
lao động nước ngoài. Nhưng chắc đương sự không tin. Bữa nọ, kiếm đâu ra
được số điện thoại của ông, bà gọi: "Anh Duy hả? Tui là dì của con Vân nè.
Nó làm cái gì mà phải đi ở tù vậy? Kêu án mấy năm?" Ông không biết bà là
ai nên nói: "lộn số" rồi cúp máy.
Ông tưởng hôm nay có đám giỗ nhưng thực ra chỉ là bữa cơm gia đình
nhân dịp bà mới dời mộ bà ngoại của Vân về an táng trong sân nhà.
Ông theo hai người đàn bà vô trong. Đàn chó chạy túa ra. Đủ mọi
chủng tộc, vàng, đen, trắng, nâu, đốm…nhưng không có con nào sủa. Năm
sáu cái đuôi dựng đứng như đám bông lau, vẫy lia lịa, chồm chồm lên
người ông mừng rỡ. Ông cảm thấy mình rất có uy tín, không phải chỉ với
người mà còn với đàn chó nữa. Biết đâu giữa ông và chúng nó có mối giao
cảm thần bí nào đó, có luồng sóng tâm linh vô hình nào đó khiến người và
vật bắt được tín hiệu của nhau và chúng nó đã truyền cho nhau ngôn ngữ
riêng của chúng rằng cái lão già đẹp giai này sớm muộn gì cũng kết duyên
với cô chủ của chúng.