lặng, một mình, một cõi riêng lẻ.
Tôi biết nói sao về cô gái mới 21 tuổi này? Nếu bạn từng đọc tác phẩm
Đốt Đời, bạn sẽ thấy tuổi thơ của nhân vật Ngọc khốn cùng đến mức nào.
Sẽ hiểu một cô bé bụi đời sống lăn lóc ra sao trên đường phố, trên vĩa hè,
góc chợ, bờ sông, bãi rác… để rồi kết thúc cuộc đời trong tối tăm, đơn độc,
lạnh lẽo, đau đớn và sợ hãi.
°
Người con gái thứ hai – cũng có thể gọi là "nửa thứ hai" của nhân vật
Ngọc. Đó là cô B. Bị tù 8 năm vì nghiện ma tuý nặng, bị người ta bắt đi bán
ma tuý để có "hàng đá" mà chơi.
Vô tù, người ta xét nghiệm máu thấy bị nhiễm HIV.
Tôi không hề quen biết cô B này, cũng chưa từng gặp mặt. Nhưng
trong một vài dịp thăm tù, tôi có nghe kể về cô, một nữ tù nhân bị nhiễm
HIV và bị gia đình bỏ rơi vì người ta mô tả rằng khi ở ngoài đời cô rất
quậy, vừa chơi ma tuý vừa ngang ngược, làm khổ gia đình.
Cứ mỗi lần đi thăm tù, tôi lại được nghe kể một vài mẩu chuyện về cô,
góp nhặt lại, ghép vào những bất hạnh, những bi kịch của cô bé tên A, để
tạo ra nhân vật Ngọc.
Nhưng thưa các bạn, nhắc đến cô B, tôi không có ý định thuật lại cuộc
đời bất hạnh cùng những lỗi lầm của cô, mà tôi muốn nói về một phép lạ.
Vâng, một phép lạ.
Cho tới giờ này tôi vẫn chưa hề gặp mặt cô, nhưng phép lạ đã xảy ra
nhờ chiếc điện thoại.
Ngày nọ, một số điện thoại lạ hiện trên màn hình.
- Xin lỗi. Cho con gặp bố Đào Hiếu.
- Tôi đây. Ai gọi vậy?
- Con là B. Con có đọc truyện Đốt Đời của bố. Con cám ơn bố đã sáng
tạo ra nhân vật Ngọc vì nhân vật ấy mang một phần đời của con.
Tôi tưởng như đang nằm mơ. Tôi kêu lên:
- B hả? Con ra tù rồi sao?
- Dạ. Con mới ra tù được hơn một tuần. Và nhờ cuốn Đốt Đời mà con
lần ra số điện thoại của bố.