chuyến xe buýt đưa ông tới đây và về nhà hàng ngày, hay tên những
láng giềng trong tòa nhà tối tăm xập xệ ông sống hả?” “Thưa
ông…” Áo Vest cố ngăn dòng từ ngữ của anh ta lại bằng thái độ lịch
sự thực dụng, nhưng đã quá muộn. “Tôi nhìn ông,” Gershon nói, “và
chỉ trong một giây tôi thấy ngay cả chuyện đời ông. Mọi thứ được
viết rõ ràng ở đó, trên đường chân tóc chạy lùi của ông. Mọi thứ.
Ngày đẹp nhất trong đời ông sẽ là lúc đội bóng rổ ông cổ vũ dành
chức vô địch. Ngày tồi tệ nhất sẽ là ngày bà vợ béo của ông chết vì
ung thư do bảo hiểm y tế của ông không chi trả điều trị. Và mọi thứ
tới giữa hai thời khắc đó sẽ trôi qua như một cái rắm yếu ớt, để
rồi đến cuối đời ông, khi cố nhìn lại, ông thậm chí chẳng thể nhớ
nổi mùi của nó…”
Gershon thậm chí chẳng có thời gian để cảm nhận nắm đấm
tiếp xúc với khuôn mặt mình. Khi tỉnh lại, anh ta nhận ra mình đang
nằm trên sàn đá cẩm thạch sang trọng của tiền sảnh. Cái làm anh ta
tỉnh lại là một loạt cú đá vào các xương sườn và một giọng trầm
khoái trá vọng lại trong không gian tiền sảnh làm anh ta ít nhiều
nhớ tới giọng một phát thanh viên trên đài vào lúc tối muộn, “Thôi
đi,” giọng nói lặp lại, “thôi đi, vì Chúa, hắn không đáng vậy đâu.”
Lúc này anh ta nhận ra khảm trên sàn là những phiến đá nhỏ
màu vàng kim tạo thành chữ cái “G” – chữ cái đầu trong tên anh ta.
Anh ta lẽ ra có thể coi đó là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, song
Gershon lại thích hình dung rằng những công nhân xây dựng tòa
nhà chọc trời này đã biết một ngày kia anh ta sẽ tới đây và muốn
làm điều gì đó tôn vinh anh ta để anh ta không cảm thấy quá cô độc
và bị thù địch trong thành phố xấu xa này. Những cú đá không
dừng lại, và chúng có vẻ rất thực, hệt như giấc mơ của vợ anh ta. Có
lẽ đứa bé gái bố cô ta để lại trong xe nôi thực ra chính là vợ anh ta.
Có thể lắm. Nói cho cùng, bố cô ta là một kẻ bỏ đi. Có lẽ đó là lý do
vì sao giấc mơ đó lại quan trọng đến thế với vợ anh ta. Và nếu cô