Hebron sẽ là lựa chọn rất tuyệt. Biết đâu ở chỗ nào đó trong thành
phố này, một người Ả rập bị bao vây sẽ đứng trên ngưỡng cửa nhà
anh ta, nhìn qua Yonatan và máy quay của anh, nhìn ra ngoài chốn
vô định, chỉ dừng lại trong một phút, gật đầu và ước cho hòa bình –
đó sẽ là một thứ đáng xem.
Sergei Goralick không thích lắm chuyện những người lạ mặt
đấm cửa nhà mình. Nhất là khi những kẻ lạ mặt đó đưa ra câu hỏi.
Tại Nga, khi Sergei còn trẻ, chuyện đó xảy ra khá nhiều. KGB cảm
thấy có quyền thoải mái đập cửa nhà ông. Bố ông là người theo
chủ nghĩa Zionism, cũng đồng nghĩa như một lời mời họ ghé qua
bất cứ lúc nào.
Khi Sergei tới Israel, rồi sau đó chuyển tới Yaffo, gia đình ông đã
không thể hiểu nổi chuyện đó. Họ hỏi ông, ông hy vọng tìm thấy gì ở
một nơi như thế chứ? Chẳng có ai ở đó ngoài những gã nghiện, dân
Ả
rập và người hưởng trợ cấp. Nhưng điều tuyệt hảo nhất ở những
gã nghiện, đám dân Ả rập và những người hưởng trợ cấp là họ không
mò đến gõ cửa nhà Sergei. Nhờ vậy Sergei có thể ngủ và tỉnh dậy khi
trời còn tối. Ông có thể chèo con thuyền nhỏ của mình ra biển và
đánh cá cho tới khi kết thúc việc đánh cá. Một mình. Trong im lặng.
Theo cách đáng ra phải thế. Giống như trước kia.
Cho tới một ngày một thằng nhóc đeo khuyên tai, trông ít nhiều
có vẻ đồng tính, tới gõ cửa. Mạnh như thế – đấm thình thình vào
cửa nhà ông. Đúng kiểu Sergei không thích. Và gã nhóc nói cậu ta có
vài câu hỏi muốn đưa lên truyền hình.
Sergei nói với cậu nhóc, nói theo cách mà ông nghĩ là thẳng thắn,
rằng ông không muốn chuyện đó. Không quan tâm. Sergei đẩy máy
quay một cái để giúp làm rõ thêm ý này. Nhưng gã nhóc đeo khuyên
tai thật bướng bỉnh. Cậu ta nói đủ chuyện, nói rất nhanh. Và thật khó
để Sergei theo kịp; ông không thông thạo tiếng Do Thái lắm.