những quan hệ này còn khó chịu hơn. Điều đó có nghĩa đợt tuyệt chủng hiện
giờ đã bắt đầu suốt từ giữa thời kỳ băng hà gần đây nhất. Điều đó cũng có
nghĩa con người là một loài giết chóc, hay dùng chữ của nghệ thuật, “giết
chóc quá nhiều”, ngay từ buổi ban đầu.
***
Có một số bằng chứng thiên về hay thật ra là chống lại con người. Một
trong số đó là thời điểm của biến cố. Cuộc tuyệt chủng của hệ động vật siêu
lớn, giờ đã rõ, không xảy ra tất cả cùng một lúc, như Lyell và Wallace vẫn
tin. Thay vì thế, nó xảy ra thành từng xung nhịp. Xung thứ nhất, khoảng 40
nghìn năm trước, bắt đầu với những con vật khổng lồ ở Úc. Xung thứ hai
xảy ra ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ vào khoảng 25 nghìn năm sau đó. Loài vượn
cáo Madagascar, hà mã lùn và chim voi đã sống sót qua tất cả tới tận thời
Trung cổ. Chim moa của New Zealand sống sót tới tận thời Phục hưng.
Khó mà hiểu được bằng cách nào mà một chuỗi sự kiện như thế lại có thể
quy về chỉ một sự kiện biến đổi khí hậu duy nhất. Trong khi đó, chuỗi các
xung và chuỗi định cư của con người, lại trùng khớp gần như chính xác với
nhau. Bằng chứng khảo cổ cho thấy con người tới Úc lần đầu tiên, vào
khoảng 50 nghìn năm trước. Sau đó rất lâu họ mới tới châu Mỹ, và chỉ nhiều
nghìn năm sau họ mới tới được Madagascar và New Zealand.
“Khi biên niên sử về sự tuyệt chủng khớp một cách đáng kể với biên niên
sử về sự di cư của con người,” Paul Martin của Đại học Arizona viết trong
“Giết chóc quá nhiều thời tiền sử”, nghiên cứu đầy ảnh hưởng của ông về
chủ đề này, “sự có mặt của con người tỏ ra là câu trả lời hợp lý duy nhất”
với sự biến mất của hệ động vật khổng lồ.
Cùng mạch lập luận, Jared Diamond nhận xét: “Cá nhân tôi, tôi không thể
hiểu tại sao những loài vật khổng lồ của Úc sống sót qua vô số đợt hạn hán
trong mười triệu năm của chúng với lịch sử Úc châu, và rồi lại chết cả gần
như chính xác cùng lúc (ít ra là với khung thời gian triệu năm) và trùng hợp
với khi con người tới đó.”