ĐỢT TUYỆT CHỦNG THỨ SÁU - Trang 275

mòn bởi những đôi giày của hàng chục nghìn khách thăm nhà bảo tàng đã
bước qua, có lẽ trong phần lớn trường hợp không hay biết những gì nằm
dưới chân họ. Nhưng cúi người xuống và nhìn gần vào đó và bạn sẽ thấy
mỗi một hóa thạch đó được dán nhãn với tên loài cũng như sự kiện tuyệt
chủng đã khiến loài đó đi tới diệt vong. Các hóa thạch này được sắp xếp
theo thứ tự thời gian, nên cái cũ nhất - bút đá của kỷ Ordovic - nằm gần hơn
ở trung tâm, trong khi cái mới nhất - răng của Tyrannosaurus rex từ cuối kỷ
Phấn trắng - nằm xa hơn. Nếu bạn đứng ở rìa khu triển lãm, thực ra là nơi
duy nhất từ đó có thể nhìn thấy cái răng ấy, bạn đang đứng ngay ở chỗ
những nạn nhân của Đợt tuyệt chủng thứ sáu lẽ ra sẽ có mặt.

Trong một biến cố tuyệt chủng do chính chúng ta gây ra, điều gì sẽ xảy ra

với chúng ta? Một khả năng - khả năng mà Tòa đại sảnh Đa dạng Sinh học
ngụ ý - là cả chúng ta nữa, rốt cuộc sẽ diệt vong vì “sự thay đổi của cảnh
quan sinh thái” của chính chúng ta. Logic đằng sau kiểu tư duy này là:
chúng ta đã tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc của tiến hóa, con
người dẫu vậy vẫn phụ thuộc vào các hệ sinh học và địa-hóa-học của trái
đất. Với việc làm đứt gãy những hệ thống đó: chặt rừng nhiệt đới, thay đổi
cấu trúc bầu khí quyển, làm axít hóa các đại dương, chúng ta đang đặt chính
sự sinh tồn của mình vào nguy hiểm. Trong nhiều bài học đã xuất hiện từ hồ
sơ địa chất, có lẽ điều rõ ràng nhất là với sự sống, giống như với những quỹ
đầu tư tương hỗ, thành tích trong quá khứ không hề đảm bảo cho kết quả
tương lai. Khi một cuộc tuyệt chủng hàng loạt xảy ra, nó loại bỏ những loài
yếu và cũng tiêu diệt các loài mạnh. Những con bút đá hình chữ V từng có
mặt khắp nơi, và giờ thì chẳng thấy chúng đâu. Những con cúc đá từng bơi
loanh quanh suốt hàng trăm triệu năm, và giờ chúng đều biến mất. Nhà nhân
chủng học Richard Leakey đã cảnh báo rằng “Homo sapiens có thể không
phải là tác nhân duy nhất của Đợt tuyệt chủng thứ sáu, nhưng đang đối mặt
với rủi ro là một trong những nạn nhân của đợt tuyệt chủng đó.” Một tấm
biển ở Tòa đại sảnh Đa dạng Sinh học ghi lại câu trích dẫn từ nhà sinh thái
học Paul Ehrlich của Đại học Stanford: BẰNG CÁCH ĐẨY NHỮNG LOÀI
KHÁC TỚI TUYỆT CHỦNG, CON NGƯỜI ĐANG HỐI HẢ CƯA ĐI
CÀNH CÂY MÀ HỌ CŨNG NGỒI TRÊN ĐÓ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.