Một khả năng khác - được một số người cho là lạc quan hơn - là tài khéo
léo của con người sẽ vượt qua bất cứ thảm họa nào mà tài khéo đó đã gây ra.
Có những nhà khoa học nghiêm túc lập luận rằng, lấy ví dụ, nếu sự ấm lên
toàn cầu trở nên là một mối đe dọa quá lớn, chúng ta có thể phản ứng bằng
cách điều chỉnh lại bầu khí quyển. Một số dự án bao gồm phát tán sulfat vào
tầng bình lưu để phản xạ ánh sáng mặt trời trở lại vũ trụ; những dự án khác
bao gồm bắn những giọt nước nhỏ lên bầu trời Thái Bình Dương để làm
quang mây. Nếu không điều nào trong số đó hiệu quả và mọi thứ suy giảm,
thì vẫn có những người tin rằng con người sẽ vẫn ổn; chúng ta sẽ đơn giản
chuyển tới sống ở các hành tinh khác. Một cuốn sách mới đây đã khuyên
nhủ việc xây dựng các thành phố “trên sao Hỏa, Titan, Europa, mặt trăng,
các thiên thạch, và bất cứ khối vật chất chưa có người ở nào mà chúng ta có
thể tìm thấy.”
“Đừng lo,” tác giả cuốn sách nhận xét. “Chừng nào chúng ta còn tiếp tục
thám hiểm, loài người sẽ còn sống sót.”
Rõ ràng là số phận của chính giống loài chúng ta được chúng ta quan tâm
một cách đặc biệt hơn. Nhưng chấp nhận rủi ro để nói ra điều nghe có vẻ
chống lại con người - vài người bạn tốt của tôi cũng là con người! - tôi sẽ
nói rằng rốt cuộc, đó không phải là điều giá trị nhất đáng chú ý. Ngay lúc
này, tại khoảnh khắc đáng kinh ngạc tuyệt vời trong hiện tại, chúng ta đang
quyết định, mà nhiều khi không hiểu ý nghĩa, những con đường tiến hóa nào
sẽ tiếp tục mở ra và những con đường nào sẽ đóng lại vĩnh viễn. Không sinh
vật nào khác từng làm được điều đó, và thật không may, đó sẽ là di sản lâu
bền nhất của chúng ta. Đợt tuyệt chủng thứ sáu sẽ tiếp tục xác định dòng
chảy của sự sống rất lâu sau khi tất cả những gì con người đã viết ra, vẽ ra
và dựng nên chỉ còn là cát bụi, và những con chuột khổng lồ đã hoặc đã
không thừa kế trái đất.