CHƯƠNG II
RĂNG HÀM CỦA VOI RĂNG MẤU [
Mammut americanum
Sự tuyệt chủng có thể là ý tưởng khoa học đầu tiên mà trẻ em ngày nay
nắm bắt được. Những đứa một tuổi đã được chơi đồ chơi khủng long, và hai
tuổi hiểu rằng, ít ra là theo một cách mơ hồ, những sinh vật bằng nhựa nhỏ
bé đó đại diện cho những con thú khổng lồ. Nếu chúng là những đứa học
nhanh - hay theo một nghĩa khác, học đi vệ sinh chậm - trẻ con vẫn còn
đóng bỉm có thể giải thích rằng từng có thời có rất nhiều loại khủng long và
chúng đều đã chết từ rất lâu về trước (Con trai tôi, khi còn chập chững, đã
chơi hàng giờ với bộ đồ chơi khủng long có thể xếp trên một tấm thảm nhựa
tả lại một khu rừng ở kỷ Jura hay kỷ Phấn trắng. Hình ảnh bao gồm một núi
lửa phun nham thạch mà nếu bạn ấn vào, sẽ kêu lên ầm ĩ vui tai). Tất cả
những điều đó là để nói rằng sự tuyệt chủng khắc vào đầu chúng ta như một
khái niệm đương nhiên. Nhưng thực ra thì không phải thế.
Aristotle đã viết một bộ mười cuốn History of Animals (tạm dịch: Lịch sử
các loài động vật) mà không khi nào xem xét khả năng các loài động vật đó
thực ra có một lịch sử. Cuốn Natural History (tạm dịch: Lịch sử tự nhiên)
của Pliny bao gồm những mô tả các động vật có thật và mô tả các động vật
được tưởng tượng ra, nhưng không có mô tả nào về các động vật tuyệt
chủng. Khái niệm tuyệt chủng chưa hình thành cho tới thời Trung cổ hay
thời Phục hưng, khi từ “hóa thạch” được sử dụng để chỉ mọi thứ được đào
lên từ dưới mặt đất (do thế mà có cụm “nhiên liệu hóa thạch” [
]). Trong
thời Khai sáng, quan điểm áp đảo cho rằng mọi loài đều là mắt xích trong
một “chuỗi của sinh vật” lớn lao, không thể bẻ gẫy. Như Alexander Pope
viết trong Essay on Man (tạm dịch: Tiểu luận về con người) của ông:
Tất cả thuộc về một tổng thể kỳ diệu,
Mà cơ thể là tự nhiên, và linh hồn là Chúa trời.
Khi Carl Linnaeus công bố hệ thống danh pháp hai phần [
] của ông, ông
không phân biệt giữa những loài còn sống và đã chết vì theo quan điểm của