Trong cái náo động đẫm máu này, theo Herodotus, Aristodamus người
Sparta tỏ ra là người quả cảm nhất. Câu chuyện của anh ta như sau: anh là
một trong ba trăm binh lính của đạo quân Leonidas đã hy sinh khi bảo vệ
Thermopylae. Chỉ có Aristodamus sống sót, không biết bằng cách nào.
Nhưng việc sống sót đã làm anh ta bị ô nhục và khinh bỉ. Theo bộ luật của
Sparta thì không thể sống sót ở Thermopylae. Ai đã ở đó và thực sự chiến
đấu để bảo vệ tổ quốc đều phải chết. Vì vậy mà có dòng chữ trên tấm bia
mộ tập thể của đạo quân Leonidas: “Hỡi người khách bộ hành, hãy nói với
Sparta rằng chúng tôi, những người bỏ mình ở đây, đã trung thành với luật
lệ của nó.”
Rõ ràng luật lệ hà khắc của Sparta không đặt ra các thể loại cựu chiến binh
cho bên thua trận. Ai đi chiến đấu thì chỉ có thể sống sót với tư cách người
chiến thắng, còn với tư cách người bại trận - chỉ có thể chết. Vậy mà một
mình Aristodamus còn sống trong đạo quân của Leodinas. Sự việc này nhấn
chìm anh ta vào sự ô nhục và khinh bỉ. Không ai muốn nói chuyện với anh
ta, mọi người đều quay đi coi thường. Việc thoát chết thần kỳ bắt đầu giày
vò, bóp nghẹt, thiêu đốt anh ta. Nó bắt đầu đè nặng lên anh. Càng ngày anh
càng khó mang gánh nặng này hơn. Anh tìm một giải pháp nào đó, một sự
khuây khỏa nào đó. Và đây là cơ hội để rửa sạch vết nhơ, hay đúng hơn là
kết thúc cuộc đời ô nhục một cách anh hùng: trận đánh ở Plataea.
Aristodamus làm nên những điều kỳ diệu của lòng can đảm - “rõ ràng là
anh ta muốn chết, như một người bị kết tội, vì thế anh ta nổi điên rời bỏ đội
hình và thực hiện những hành động phi thường”.
Vô ích. Luật lệ của Sparta là không khoan nhượng. Nó không có một chút
lòng thương, một chút tình người nào. Một lần phạm tội sẽ là tội lỗi mãi
mãi, và ai đã bị ô nhục thì không bao giờ gột rửa được. Vì thế trong số
những người anh hùng Hy Lạp của trận đánh này được vinh danh không có
tên Aristodamus - “Aristodamus, người tìm cái chết cho những lỗi lầm nêu
trên, đã không được tuyên dương”.
***