xếp thời gian khoa học để sử dụng thời gian hiệu quả nhất. Sinh
viên Nhật đi tham gia các seminar này rất nghiêm túc và tích cực. Có
sinh viên đi một ngày khoảng năm seminar ở các công ty khác nhau
từ sáng đến chiều tối, tính toán cẩn thận thời gian di chuyển giữa
các công ty với nhau sao cho tham gia được nhiều nhất. Lưu ý là
bạn phải làm tất cả những hoạt động này trong thời gian năm thứ ba
và năm thứ tư đại học, vì thế để có nhiều thời gian dành cho tìm
việc bạn cần hoàn thành các môn học trong ba năm đầu tiên để
không phải ngày nào cũng đến trường như những năm đầu.
Luôn chủ động. Khi đi nghe seminar bạn nên nghe một cách có
định hướng và mục đích chứ không nên chỉ tham gia một cách thụ
động. Ví dụ bạn nên tự đặt mục tiêu sẽ phải đạt được sau mỗi buổi và
kiểm tra lại các mục tiêu đó đã hoàn thành chưa, chẳng hạn: mục tiêu
của buổi hôm nay là nắm rõ đặc điểm riêng của công ty A, mục tiêu
của buổi hôm nay là rèn luyện kĩ năng thảo luận nhóm, mục tiêu của
buổi hôm nay là nghe được nhiều kinh nghiệm làm việc của các nhân
viên trong công ty A… Bằng việc đặt mục tiêu, bạn sẽ chủ động thu
thập các thông tin cần thiết và có thể nhớ lâu các thông tin đó dù
chỉ nghe một lần. Nếu đi tham gia các seminar một cách thụ động
bạn sẽ khó phân biệt được những điểm khác biệt của các công ty cùng
ngành, hay không thu được nhiều bài học lưu sâu trong kí ức. Bạn sẽ
không có thời gian ôn lại các thông tin này trong các vòng sau nên
hãy cố gắng chủ động thu thập thông tin ngay tại lúc tham gia
seminar.
Đặt nhiều câu hỏi. Khi tham gia seminar bạn nên cố gắng đặt
câu hỏi càng nhiều càng tốt cho công ty. Bằng việc đặt câu hỏi bạn
có thể rèn luyện cách đặt câu hỏi, cách nói tiếng Nhật chuẩn trong
trường hợp cụ thể, xem xét phản ứng của người trả lời với câu hỏi của
bạn. Đây cũng là một cách để luyện phỏng vấn ở những vòng sau, bởi
một trong những câu hỏi thường có trong các buổi phỏng vấn là đặt