Abel đã đọc được ở đâu đó rằng một đứa trẻ bình thường không thể làm điều đó
sau ít nhất là ba tuần. Anh mỉm cười một cách tự hào.
Hai mẹ con ở lại bệnh viện St Luke's thêm sáu ngày nữa và Abel tới thăm họ
mỗi buổi sáng, sau khi bữa ăn sáng cuối cùng tại Chicago Baron được phục vụ,
và mỗi buổi chiều sau khi vị khách ăn trưa cuối cùng rời khỏi phòng ăn. Những
bức điện tín, hoa và những tấm thiệp chúc mừng kiểu mới bày la liệt xung quanh
chiếc giường khung sắt của Zaphia như minh chứng cho thấy người khác cũng
vui mừng với sự ra đời này. Vào ngày thứ bảy, người mẹ và đứa trẻ chưa được
đặt tên – Abel đã chọn một cái tên con trai từ lâu trước ngày sinh – trở về nhà.
Một tuần sau đó, họ đặt tên cho cô bé là Florentyna, theo tên của chị gái
Abel. Khi đứa bé sơ sinh ấy được đưa vào phòng trẻ vừa được trang hoàng trên
tầng cao nhất của ngôi nhà, Abel dành hàng giờ chỉ để nhìn ngắm con gái mình,
xem cô bé ngủ và thức dậy, nhận ra rằng anh cần phải làm việc chăm chỉ hơn nữa
nếu muốn đảm bảo cho tương lai của con bé. Anh quyết tâm rằng Florentyna sẽ
được trao một khởi đầu tốt đẹp hơn mình khi xưa. Con bé sẽ không phải chịu
những sự bần thỉu và đói khổ, thiếu thốn như tuổi thơ của anh, hay là sự khinh
thường khi đặt chân đến Ellis Island như một người nhập cư chẳng có gì ngoài
vài đồng rúp Nga vô giá trị được khâu vào mặt trong chiếc áo khoác của bộ quần
áo tử tế duy nhất.
Anh muốn đảm bảo rằng Florentyna sẽ nhận được sự giáo dục đầy đủ mà
mình không có – nhưng anh không than phiền gì về việc đó cả. Franklin D.
Roosevelt sống trong tòa Bạch Ốc, trong khi tập đoàn khách sạn nhỏ của Abel thì
còn phải xem chừng có trụ nổi qua thời kỳ suy thoái này không. Nước Mỹ trước
giờ vẫn đối tốt với người nhập cư này
.
Mỗi khi ngồi một mình bên cô con gái nhỏ ở căn phòng dành cho trẻ trên
gác, anh ngẫm lại quá khứ của mình và mơ mộng về tương lai của con bé.
Thời gian đầu đặt chân đến nước Mỹ, Abel làm việc trong một xưởng đóng
gói thịt ở Lower East Side, New York, nơi anh đã làm trong hai năm dài đằng
đẵng trước khi xin vào vị trí phụ bàn tại khách sạn Plaza. Ngay ngày đầu tiên của
Abel, Sammy – tay quản lý khách sạn – đã đối xử với anh như thể anh là thành
phần cặn bã của xã hội. Sau bốn năm, ngay cả một kẻ buôn nô lệ cũng phải bị ấn
tượng với số giờ làm việc tăng ca mà kẻ cặn bã xã hội đó đã làm để leo lên vị trí
trợ lý chính cho Sammy ở Căn phòng Gỗ sồi. Và trong lúc không ai để ý đến,
Abel dành năm buổi chiều mỗi tuần cặm cụi đọc sách của khóa cử nhân tại Đại