Tăng Triệu hoàn toàn đồng tình với tôi, vì cậu ta cũng hết sức bất bình
với Giác Hiền. Mẹ là ân nhân cứu mạng của Tăng Triệu, Giác Hiền sỉ nhục
mẹ cũng tức là sỉ nhục mẹ nuôi của cậu ta. Chúng tôi bàn bạc chi tiết mọi
việc suốt cả buổi trưa, tôi còn giới thiệu Đạo Hằng làm quen với Tăng
Triệu. Kết thúc giờ tụng kinh buổi tối, tôi thấy Tăng Triệu lập tức tập trung
Đạo Sinh, Đạo Dung, Tăng Duệ, Đạo Hằng, Đàm Ảnh, Tuệ Quán và Tuệ
Nghiêm lại. Có vẻ như tối nay họ sẽ tổ chức một hội nghị nho nhỏ.
Trên đường trở về nơi ở cùng cha, tôi nghiến răng, thầm rủa: Lão Giác
Hiền đáng ghét, ông không còn được vênh vang bao lâu nữa đâu.
Nhưng, cứ nghĩ đến việc, người đời sau sẽ đổ toàn bộ trách nhiệm trong
việc xua đuổi Giác Hiền ra khỏi thành Trường An lên đầu cha tôi, tôi lại
không khỏi bứt rứt. Thực tế là cha không hề hay biết chuyện này. Nhưng
các học giả ngày sau đều cho rằng, chính cha là người chỉ đạo việc này. Mà
thôi, lão Giác Hiền còn ở lại Trường An ngày nào, tôi còn cảm thấy tức anh
ách và khó chịu ngày ấy.
Buổi tối, tôi đến tìm Lạc Tú để trả lại khăn tay cho cố ấy. Cũng mượn cớ
này để chơi đùa cùng Dung Tình, Dung Vũ, để được ngắm nhìn nụ cười
thuần khiết, trong sáng của cô ấy, vì mỗi lúc như thế, tôi lại quên hết mọi
ưu phiền…
Đại điện hôm nay chật kín người, Diêu Hưng cùng Thái tử Diêu Hoằng
và rất đông hoàng thân quốc thích ngự trên những vị trí cao nhất dành cho
khách quý. Ngay khi cuộc tranh biện giữa cha và Giác Hiền bắt đầu, mọi
người đều há hốc miệng, tròn xoe mắt. Bởi vì, vốn tiếng Hán của Giác Hiền
rất hạn chế, ông ta chỉ có thể bập bõm được những từ đơn giản, nên ông ta
yêu cầu tranh biện bằng tiếng Phạn. Nhà sư Bảo Vân, người tinh thông
tiếng Phạn phụ trách việc phiên dịch. Nhà sư vừa ghi chép vừa diễn giải ý
tứ của hai vị.
Theo ghi chép của Bảo Vân, thì nội dung cuộc tranh biện như sau: