Buổi tối ngày tiếp theo, sau khi kết thúc giờ học, Rajiva không đến thư
phòng đọc sách như mọi khi, cậu ta dùng dằng ngập ngừng mãi mới lôi từ
trong áo ra một chiếc khăn lụa thêu hình thoi khổ dài với các màu sắc đỏ,
vàng, xanh da trời đan xen.
- Tặng cô.
Cậu ta lại đỏ mặt.
- Cô bảo sinh nhật muốn được tặng quà…
Tôi không có thời gian để bận tâm về sự chu đáo này, tôi còn mãi ngẩn
ngơ ngắm nhìn món quà của mình. Đây là chiếc khăn lụa Atala, Atala có
nghĩa là loại tơ lụa được làm ra bằng kỹ thuật xoắn sợi tơ dọc và nhuộm
đồng thời, đây cũng là loại vải dùng để may quần áo phổ biến nhất của phụ
nữ Tân Cương ngày nay. Tơ lụa Khotan là thương hiệu nổi tiếng nhất. Lụa,
ngọc và thảm được mệnh danh là ba “quốc bảo” của Khotan. Đến tận thế
kỷ XXI, người Khotan vẫn sử dụng những phường nhuộm nguyên thủy với
chiếc máy dệt cồng kềnh, cao hơn năm mét, được xây đắp bằng đất và gỗ.
- Rajiva, cậu có biết ngôi chùa Masa ở Khotan không? Những hạt giống
của cây dâu mà cô công chúa người Hán mang đến Tây vực đã được gieo
trồng ở chùa này đó.
Trong “Đại Đường Tây vực ký”, Huyền Trang đã ghi lại quá trình tơ lụa
được truyền đến Khotan như thế nào.
- Tôi biết. Người Tây vực vốn không biết trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ,
khi đức vua Khotan đến đất Hán cầu thân, ngài đã nói riêng với công chúa
Hán triều rằng Khotan không có tơ lụa, nên công chúa sẽ không thể ăn mặc
đẹp được. Công chúa bèn giấu hạt dâu và tằm giống vào trong túi mang
theo. Sự giàu có của Khotan chính là nhờ vào tơ lụa.