quan sát, đo đạc, nghiên cứu di tích tường thành Khâu Từ, di tích hoàng
cung, ngôi chùa “kỳ lạ”, quảng trường lớn, sau đó cùng các nhà ngôn ngữ
giải mã văn tự Tochari tại viện bảo tàng. Khi một mình lang thang giữa
những di tích này, nhìn những ngôi nhà, những thửa ruộng đã phủ kín
khuôn viên di tích, có thể nhận ra địa tầng của hơn một nghìn năm về trước,
nhưng còn những thứ khác thì đã bóng chim tăm cá, trong tôi trào dâng một
cảm xúc khó tả. Vì với riêng tôi, mọi thứ sống động của vài tháng trước đó
chỉ trong chớp mắt đã vật đổi sao dời, trở thành quá vãng dâu bể 1650 năm.
Những con người sống động của vài tháng trước, trong khoảnh khắc đã chỉ
còn lại là mấy dòng chữ trên giấy cũ. Đứng trên gò đất mấp mô, nơi xưa kia
từng là thành quách nguy nga, bên tai tôi như vẫn vang vọng giọng nói
trầm ấm đó.
- Ngải Tình, ngày mai tôi sẽ đưa cô đi tham quan thành Khâu Từ.
- Ông trời ưu ái người Khâu Từ, nên năm nay mới “được mùa tuyết” như
vậy.
- Đừng sợ, cứ nhắm mắt lại, một lát nữa là không sao.
Mỗi lúc như vậy, tôi lại giật mình quay đầu nhìn bốn phía, mãi đến khi
nhận ra bóng chiếc áo nâu sòng ấy chỉ là ảo giác, tôi mới bình tâm trở lại.
Rajiva, có phải chúng ta đang ở trong cùng một không gian, nhưng chúng
ta cách nhau những 1650 năm thời gian? Cậu vẫn ổn chứ? Tôi cười buồn,
sao lại hỏi ngớ ngẩn như vậy, vận mệnh của cậu ta, lẽ nào tôi không rõ?
Khi đi khảo sát Thiên Phật động Kizil, tôi đã ngẩn ngơ hồi lâu trước pho
tượng đồng tạc hình Rajiva đặt phía trước hang đá. Pho tượng khắc họa
dung mạo của Rajiva ở độ tuổi từ ba mươi đến bốn mươi. Một chân gập lại,
tay phải đặt lên đầu gối, trên mình khoác chiếc áo lộ một bên vai của tăng
sĩ, thân hình mảnh khảnh, vầng trán rộng giữa hai hàng lông mày vươn dài,
dung mạo ấy toát lên một trí tuệ trác việt, một trái tim rộng lớn và một khí
khái bất phàm. Tuy không thể sống động bằng con người thực, nhưng tôi