Đám đông xô nhau về phía cổng thành, tôi bị ép sát không thở nổi, cảm
giác như toàn thân mình đang bị đẩy đi, chân không hề chạm đất. Rajiva
đột ngột quay đầu lại, dường như đang dõi về phía tôi. Tôi muốn gọi cậu
ấy, nhưng những người phía sau chen lên, đẩy tôi ngã sóng soài. Khi tôi
luống cuống đứng dậy thì cậu ta đã đi xa mất rồi. Nhìn theo bóng dáng
mảnh khảnh ấy đang khuất dần về phía nội thành, tôi cười buồn. Có lẽ cậu
ta không nghe thấy tiếng tôi gọi, giữa biết bao thanh âm hỗn tạp như vậy,
làm sao mà nghe thấy được. Lúc này tôi mới cảm thấy vết trầy xước bỏng
rát trong lòng bàn tay và trên khuỷu tay. Quần áo mùa hè mỏng manh,
chẳng có tác dụng gì!
Tôi thơ thẩn đi theo đoàn xe vào thành phố, mỗi khi đến trước cổng đền
chùa hay cung điện, đoàn xe đều dừng lại. Sau đó sẽ có những chàng trai và
cô gái mặc đồ lụa rất đẹp, tay xoay tròn khay gỗ và nhảy múa. Vạt áo, thắt
lưng trên người họ theo gió tung bay, trong tiếng nhạc rộn ràng và với
những động tác thuần thục khéo léo họ vừa nhảy múa vừa rắc hoa tươi
đựng trong khay gỗ lên tượng Phật. Khán giả xung quanh vỗ tay rầm rầm
tán thưởng. Tiếp đến là một thiếu nữ dáng vẻ yêu kiều, mặc một chiếc váy
voan mỏng mềm mại, hai tay nâng cao một chiếc bát bằng vàng, chân trần
nhảy múa, động tác uyển chuyển điêu luyện, miệng tươi như hoa, chốc
chốc lại nhấc cao chân trái lên, hai tay nâng chiếc bát vàng qua đầu. Điệu
múa này đã được phác họa sinh động trên những bức bích họa ở Đôn
Hoàng và Kizil.
Tôi hỏi chuyện một cụ già đứng bên cạnh. Cụ cho tôi biết, hai vũ điệu
này gọi là múa đĩa (Bàn vũ) và múa bát (Uyển vũ). Múa đĩa, là điệu múa
rắc hoa lên tượng Phật và người đi đường, tượng trưng cho sự ca ngợi và
tôn kính đối với Phật tổ. Múa bát là điệu múa bắt nguồn từ câu chuyện Phật
tổ trong sáu năm tu khổ hạnh, ngài muốn khắc chế bản thân, nên đã áp
dụng phương thức hành xác trong mọi sinh hoạt ăn ở và đi lại. Thế nhưng,
đến lúc lả đi vì kiệt sức, ngài vẫn không thể đắc đạo. Sau cùng, ngài đến
ngồi thiền dưới gốc bồ đề và đã giác ngộ, rồi ngài sáng lập ra Phật giáo.