Sau đó, Rajiva bắt đầu thuyết pháp. Đó là sự tích Phật tổ lưu trú tại vườn
Kỳ Viên, nước Xá Vệ (Savatthi, một vương quốc cổ đại ở miền Trung Ấn
Độ). Khu vườn do thái tử Kỳ Đà (Jeta) và nhà từ thiện Tu Đạt Đa (Sudatta,
biệt hiệu Cấp Cô Độc) quyên tặng làm tịnh xá cho Phật tổ và một nghìn hai
trăm năm mươi vị Đại Tỷ khâu (Bhiksu). Một ngày nọ, như thường lệ, vào
giờ trưa, Đức Phật khoác áo cà sa, tay cầm bát sành, vào thành Xá Vệ khất
thực. Ngài đến từng nhà xin bố thí, không phân biệt giàu nghèo. Sau đó
quay về vườn Kỳ Viên, Ngài ăn uống, rồi thu dọn đồ đạc, rửa chân và ngồi
tọa thiền. Lúc này, trưởng lão Tu Bồ Đề (Subhuti, pháp hiệu “Giải không
đệ nhất”, là một trong mười đại đệ tử của Phật tổ) mới đứng lên, vai trần
bên phải, chân phải quỳ dưới đất, hai tay chắp lại, bắt đầu thỉnh giáo Phật
tổ về Phật pháp.
Sau đó, tôi thấy ù tai, chóng mặt. Phần đầu là truyện kể nên tôi có thể
nghe hiểu không khó khăn gì dựa vào vốn từ vựng Tochari sẵn có trước đó,
kết hợp với những kiến thức về Phật học và tài liệu liên quan đến Rajiva
mà tôi đã kịp trau dồi sau khi trở về thế kỷ XXI. Nhưng tiếp theo lại là
những giáo lý Phật giáo uyên thâm. Mặc dù Rajiva thuyết giảng với tốc độ
vừa phải, từng câu từng chữ rõ ràng, khúc chiết, nhưng phần lớn vẫn là
những từ ngữ mà tôi chưa được học, nên tôi nghe không hiểu mô tê gì. Cảm
giác lúc này hệt như khi tham dự buổi giảng kinh đầu tiên của Rajiva ở
Wensu, ký ức sống động như vừa diễn ra hôm qua. Thực ra, mọi thứ liên
quan đến Rajiva đều rất sống động, mới mẻ vì với tôi, đó là những hình ảnh
của chưa đầy một năm về trước.
Rajiva khoát tay, một chuỗi tràng hạt lộ ra trên cánh tay trái. Có phải tôi
nhìn nhầm không? Vì sao trực giác cho tôi hay, đó chính là món quà tết tôi
đã tặng cậu ta trước lúc rời khỏi Khâu Từ? Tôi chăm chú quan sát người
ngồi trên chiếc ngai sư tử ấy, tuy ở khoảng cách khá xa, nhưng vẫn thấy rõ
nét an nhiên, tự tại đặc trưng trên gương mặt. Bất giác, buông tiếng thở dài.