Rajiva, mấy ngày qua, tôi cứ mê man chạy đuổi theo cậu, nhưng không
có cách nào lại gần cậu được. Lẽ nào tôi cũng chỉ có thể giống như những
cô gái với đôi mắt mang hình trái tim kia, ngắm nhìn cậu từ phía xa? Cậu
cứ thuyết giảng đi, lần này tôi hứa không trốn về nữa, nhưng liệu cậu có
nhìn thấy tôi không?
Buổi thuyết pháp kéo dài mấy giờ đồng hồ và Rajiva không cầm bất cứ
tài liệu gì trên tay, thậm chí, trong suốt thời gian giảng kinh, cậu ấy còn
chẳng hắng giọng lấy một tiếng. Hồi ở Wensu, cậu ấy thuyết giảng liên tục
bảy bảy bốn mươi chín ngày, tuy tôi chỉ ngồi nghe nửa ngày, nhưng có thể
khẳng định chắc chắn rằng, cậu ấy không bao giờ cần đến tài liệu. Vẫn biết
Rajiva thông minh tuyệt đỉnh, chỉ cần đọc qua là nhớ, nhưng không thể
không bày tỏ sự thán phục đối với cậu ấy. Còn về phần mình, mặc dù rất
đau khổ, nhưng xin thú thật là tôi chỉ hiểu được khoảng hai mươi phần trăm
nội dung bài giảng và đưa ra kết luận như thế này: Rajiva vừa thuyết giảng
về ý nghĩa của khái niệm “không” trong giáo lý Đại Thừa và những kinh
văn mà cậu ấy vừa đọc chính là một trong những tác phẩm dịch thuật nổi
tiếng sau này của cậu ấy: “Kim cương bát nhã ba la mật kinh”, thường
được gọi là “Kinh kim cương”.
Tuy không thuộc trọn bộ “Kinh kim cương”, nhưng sau khi trở về thế kỷ
XXI, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm đọc cuốn kinh có ý nghĩa vô cùng
quan trọng đối với Rajiva này. Toàn văn bản dịch “Kinh kim cương” của
Rajiva không dài, chưa đến năm nghìn chữ, là cuốn kinh văn ghi lại nội
dung những câu hỏi đáp giữa Phật tổ và đại đệ tử Tu Bồ Đề (Subhuti). Khái
niệm “không” trong Phật giáo vốn rất khó lý giải bằng ngôn từ, bởi vậy,
trong cuốn “Kinh kim cương” có rất nhiều câu chữ đậm màu sắc huyền
hoặc, uyên thâm của đạo Phật, cố gắng luận giải những giáo lý vốn dĩ
không thể diễn đạt bằng lời. Bộ kinh thư này có tất cả sáu phiên bản, cả
Rajiva và Huyền Trang đều từng dịch sang tiếng Hán. Bản dịch của Rajiva
được giới Phật giáo gọi là bản cũ, bản dịch của Huyền Trang gọi là bản
mới. Nhưng bản dịch tuân thủ gần như tuyệt đối nguyên văn tiếng Phạn của