tâm sức gây dựng nên đã nhanh chóng suy yếu và Phật giáo Tiểu Thừa lại
được dịp phát triển rầm rộ, cho đến khi Khâu Từ bị người Ughur đồng hóa
và cưỡng chế theo tín ngưỡng Hồi giáo của họ. Phật giáo Đại Thừa ở Khâu
Từ chỉ tồn tại và hưng thịnh nhờ có Rajiva, điều đó, quả thực, chẳng khác
nào hoa phù dung kia sớm nở tối tàn!
Buổi giảng kinh đã kết thúc, nhưng tôi chưa vội ra về, mà rảo bước sang
mạn tây bắc của quảng trường lớn. Dòng sông nhỏ đóng băng ngày ấy giờ
đây đang chảy xiết, một cây cầu bắc qua sông. Ngôi chùa “kỳ lạ” vẫn trầm
mặc tọa lạc bên kia sông, mái chùa lấp lánh ánh vàng, xem ra, chùa đã
được tu sửa ngày càng khang trang hơn. Nhớ lại khoảnh khắc run rẩy nhón
bước trên mặt băng, tay nắm chặt bàn tay ấm áp của Rajiva, bất giác mỉm
cười. Đó là lần đầu tiên tôi bị hoa mắt vì “quáng tuyết” (cường độ ánh sáng
mãnh liệt phản chiếu lên mặt băng tuyết, kích thích và làm cho mắt bị đau,
thậm chí bị mù). Tôi nhắm mắt lại, hồi tưởng về nỗi sợ hãi khi đó.
- Rajiva, sao tôi không thấy cậu?
- Đừng sợ, cứ nhắm mắt lại, một lát nữa là không sao.
- Rajiva, tôi sẽ không bị mù chứ?
- Không đâu.
- Nếu tôi bị mù thì phải làm sao?
- Không đâu.
- Cô đã trở lại!
Hả? Câu cuối cùng hình như không nằm trong kho trí nhớ của tôi thì
phải? Tôi mở mắt, quay đầu lại. Định thần, rồi hai mắt cứ thế mở to ra, to
nữa, thêm nữa, lớn đến mức trong tầm mắt chỉ tồn tại duy nhất dáng vẻ
thảnh thơi, an nhiên của cậu ấy…