ngoại hình của người châu Âu, nổi tiếng nhất là xác ướp mỹ nữ Lâu Lan.
Nhưng có lẽ vì nằm trên huyết mạch chính của con đường tơ lụa, là nơi tập
trung và lai tạp giữa nhiều tộc người khác nhau, nên người Khâu Từ có
khuôn mặt tròn hơn người châu Âu hiện đại.
Niềm hứng khởi đang lên cao thì lập tức bị kéo xuống. Những ghi chép
về Tây vực thời kỳ nhà Tần rất ít ỏi, hầu như chỉ tồn tại trong “Tây vực
truyện” thuộc sách “Hán thư”. Lịch sử Tây vực trong trí nhớ của người Hán
được bắt đầu từ thời Hán Vũ Đế: Trương Khiêm đến Tây vực, kết thân với
Ô Tôn (Wu Sun), dựng trại làm ruộng, gây chiến với Hung Nô suốt mấy
trăm năm. Nhưng được đến thời kỳ nhà Tần cũng rất tuyệt. Tôi phải lên
đường đi Trường An ngay mới được, để có thể tận mắt chứng kiến những
biến động to lớn cuối đời Tần, để được diện kiến những nhân vật lừng danh
trong lịch sử.
Tôi lặp đi lặp lại nguyện vọng tha thiết đó với tiểu hòa thượng. Hòa
thượng trầm tư một lát rồi gật đầu và hứa sẽ sắp xếp. Nhưng cũng nói thêm,
đường xa vạn dặm, phải một năm mới đến nơi, hơn nữa hiện đang là thời
kỳ chiến tranh loạn lạc, muôn phần nguy hiểm.
Trời, chiến tranh xảy ra rồi ư? Vậy thì tôi lại càng không thể chần chừ.
Tôi vui vẻ bảo rằng không sao cả, hòa thượng băn khoăn nhìn tôi, đôi mắt
màu xám nhạt lộ vẻ kinh ngạc. Tôi không biết phải giải thích thế nào để
hòa thượng hiểu vì sao một cô gái như tôi lại hứng thú với chiến tranh đến
vậy, nên chỉ cười trừ.
Câu chuyện giữa chúng tôi kéo dài đến gần trưa. Trời mùa thu lúc chính
Ngọ nắng rất gắt gao, tôi phải trùm kín đầu bằng chiếc khăn quàng vai.
Tiểu hòa thượng kéo thấp chiếc áo choàng dài, để lộ bờ vai phải, dưới ánh
nắng rực rỡ, nước da bánh mật phản chiếu sức sống, nét khỏe khoắn và vẻ
tráng kiện của tuổi trẻ. Lối trang phục để vai trần bên phải này vốn là trang
phục phổ biến của giới tăng ni ở Ấn Độ và Tây vực. Sau đó, Phật giáo được
truyền bá vào Trung Nguyên, kiểu trang phục này dần được cải biên, có câu