“nhập gia tùy tục” mà. Thời tiết Ấn Độ nóng bức, Tây vực thì nằm trong
vùng sa mạc, hoang mạc mênh mông, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất
lớn, nên kiểu trang phục kín đáo vào buổi sáng và buổi tối, hở vai vào buổi
trưa này rất phù hợp với điều kiện thời tiết nơi đây.
Khuôn mặt hòa thượng bỗng nhiên ửng đỏ, ánh mắt rời khỏi tôi trôi về
phía xa xăm. Lúc này mới chợt nhận ra tôi đã chăm chú ngắm nhìn hòa
thượng rất lâu, xấu hổ hết chỗ nói! Trang phục đặc biệt này tôi mới chỉ thấy
qua các bức bích họa, được tận mắt chiêm ngưỡng người thật trong trang
phục thật thế này, đôi mắt tôi như bị thôi miên, cứ dán chặt vào, quên cả
phép lịch sự. Không thể lôi công tác nghiên cứu ra để biện bạch cho hành
vi của mình, tôi chỉ còn cách duy nhất là cười khì khì giả ngây ngô.
Chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi tại một rừng dương nhỏ. Những người
hầu cận nhanh chóng dựng lều và nhặt cành dương khô nhóm lửa nấu mì.
Sau khi lót dạ bằng một bát mì nóng và những chiếc bánh Tây vực, tôi bắt
đầu thèm ngủ. Hai mẹ con hòa thượng dùng bữa xong liền vào trong lều
tụng kinh, họ đặt trên gối một cuốn kinh thư. Lòng hiếu kỳ kéo tôi lại gần
họ, kết quả là tôi luôn luôn bị bất ngờ.
Kinh thư được viết trên lụa, chữ viết rất lạ, hình như là những kí tự, bao
gồm rất nhiều đường nét giống hình số 8 được viết thẳng và viết ngang.
Tuy đọc không hiểu, nhưng tôi không hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ này,
loại văn tự này có lẽ là văn tự Tochari đã thất truyền từ rất lâu. Đây là ngôn
ngữ Ấn Âu nguyên thủy cổ xưa nhất được biết đến cho tới nay, ra đời dựa
trên sự phát triển những kí tự của chữ viết Brahmi, Ấn Độ và cho đến nay
vẫn chưa được giải mã triệt để.
Tôi run rẩy bò đến gần và nhấc cuốn kinh thư phủ trên đầu gối tiểu hòa
thượng, nghẹn ngào thốt lên:
- Trời ơi, đây là văn tự Tochari, là văn tự Tochari đấy!