Đến phiên tôi ngạc nhiên.
Hòa thượng quay sang chuyện trò một hồi lâu với ni cô. Ni cô ngước
nhìn tôi một lát rồi nói mấy câu với con trai. Hai mẹ con họ trao đổi khá lâu
khiến tôi không khỏi hụt hẫng. Đang lo sợ bị từ chối, thì tiểu hòa thượng
quay lại nhìn tôi, đôi mắt màu nâu nhạt ánh lên nét tinh nghịch:
- Tôi sẽ dạy cô, nhưng đổi lại cô phải dạy tôi tiếng Hán.
Tôi thở phào, thì ra cậu ta muốn có đi có lại, tốt thôi!
- Được chứ.
Ngập ngừng giây lát, tôi bổ sung thêm:
- Tuy tôi không uyên thâm kinh thư Phật pháp, nhưng tôi có thể dạy cậu
chữ Hán, giảng giải “Luận ngữ”, “Kinh thi”, “Tả truyện”, “Chiến quốc
sách”.
Tôi nghiên cứu lịch sử, không phải Phật học. Tôi có tìm hiểu đôi chút về
lịch sử Phật giáo, nhưng đi sâu vào những nội dung cụ thể của Phật giáo
tam tạng như: kinh tạng, luật tạng, luận tạng thì tôi hoàn toàn không biết gì.
Tôi thực sự tiếc nuối, sớm biết sẽ vượt thời gian đến nơi đây, đồng hành
cùng mấy vị hòa thượng ni cô thế này, tôi đã chăm chỉ nghiên cứu về Phật
học rồi.
- Không hiểu kinh Phật cũng không sao, cô dạy tôi những kinh văn kia là
đủ.
Tiểu hòa thượng có vẻ rất vui mừng, vì tôi thấy nụ cười ấm áp lẩn khuất
sau hàng lông mày dài tuyệt đẹp.
Tôi bỗng nghĩ, kinh Phật lưu truyền ở Trung Nguyên đều được dịch từ
tiếng Phạn và một số ngôn ngữ thuộc Tây vực. Hòa thượng là người Khâu