và được quấn lại bởi một mảnh khăn thêu kim tuyến. Người đó đội một
chiếc mũ miện bằng vàng khắc hình long phụng, khoác áo choàng đỏ có
viền thêu hình thoi, đính châu báu, phía trước là những hình tròn thêu chỉ
vàng lấp lánh, ống chân thì... Đấy, tôi lại mắc bệnh nghề nghiệp rồi, lúc nào
cũng quan sát chi tiết những người đối diện như quan sát một hiện vật
nghiên cứu.
Tuy không hiểu họ nói gì, nhưng tôi đoán đó là đoàn người ra nghênh
đón khách quý, gồm các thành viên của hoàng thất và người đàn ông khoác
trên mình trang phục quyền quý kia chính là nhà vua. Tuy ni cô xinh đẹp
Jiba cũng được chào đón nồng hậu và cung kính, nhưng rõ ràng đối tượng
của nghi thức nghênh tiếp hết sức long trọng này không ai khác, chính là
Kumalajiba.
Từ lâu tôi đã nghĩ rằng Kumalajiba không phải một nhà sư tầm thường,
nhưng cậu ta mới mười ba tuổi, làm sao đã có thành tựu gì xuất chúng.
Chắc hẳn cậu ta còn có thân phận gì khác ngoài là một nhà sư, ví như là
con cháu nhà vua chẳng hạn. Không lẽ cậu ấy là hoàng tử? Trước khi đắc
đạo, Phật Thích Ca cũng từng là hoàng tử đấy thôi.
Chúng tôi được sắp xếp ở lại trong một cung điện hoa lệ (mà không phải
tại một ngôi chùa nào đó như tôi nghĩ). Tuy nói là hoa lệ, nhưng không thể
so sánh với cung điện ở Trung Nguyên được. Tây Vực vốn là vùng khô
hạn, nhà ở được xây cất rất đơn sơ với vật liệu chính là gỗ và đất sét và mái
nhà là kiểu mái bằng. Nhưng ở đây, tường nhà làm bằng đất sét đã được coi
là xa hoa rồi. Thông thường chỉ có quan lại, đền chùa miếu mạo và hoàng
cung mới được xây dựng như vậy.
Nơi chúng tôi nghỉ ngơi là một dinh cơ rộng lớn với năm gian phòng. Vị
quốc vương kia còn cử thêm mười người hầu đến phục vụ chúng tôi. Tôi
được ở riêng một phòng, Jiba cũng dành cho tôi một người hầu nữ. Yêu cầu
đầu tiên mà tôi đưa ra là: tôi muốn tắm rửa.