- Ông ta đâu biết rằng, ta có thể phá giới, nhưng quyết không phục tùng.
Ta làm vậy không phải vì ông ta là người ngoại tộc. Nếu Lữ Quang là một
bậc minh quân, biết quan tâm chăm lo cho lẽ dân, ta nhất định sẽ ủng hộ
ông ta. Nhưng ông ta lại là một kẻ tàn bạo, hoang dâm, ngu muội, lòng dạ
ích kỷ, hẹp hòi, chưa bao giờ biết mưu lợi cho dân. Nếu ta công nhận quyền
lực của Lữ Quang, sẽ gây hại không chỉ cho hơn mười vạn dân Khâu Từ,
mà thậm chí cả mấy chục vạn dân Tây vực… Ngải Tình, nàng biết không,
ông ta đã chôn sống hai vạn binh sĩ người Khoái Hồ ngay cả khi họ đã đầu
hàng.
Nỗi bi phẫn khiến gương mặt chàng trở nên ảm đậm, chàng giận dữ nắm
chặt tay lại:
- Chém giết lẫn nhau trong chiến tranh đã là tội lỗi tày trời, vậy mà ông
ta còn chôn sống cả những người đã giơ tay chịu trói. Ông ta đã tước đoạt
mạng sống của hai vạn người. Loại người như ông ta đời đời kiếp kiếp
cũng không thể được siêu thoát. Nếu ta lại đi tiếp tay cho giặc, hại đến
muôn dân, thì sao xứng là đệ tử nhà Phật?
Đào hố chôn người là thủ đoạn phổ biến nhất sau mỗi cuộc chiến tranh
trong thời kỳ Thập lục quốc. Số lượng binh sĩ bị chôn sống thường lên đến
vài chục ngàn người. Bởi vì các cuộc chiến tranh xảy ra trong thời kỳ này,
hầu hết đều là cuộc chiến giữa các tộc người khác nhau.
“Không cùng dòng tộc, ắt sinh khác lòng”, đào hố chôn người có thể làm
hao tổn nghiêm trọng lực lượng của đối phương, lại vừa có thể trừ hậu họa.
Sự kiện chôn sống người thảm khốc nhất diễn ra trong trận chiến ở dốc
Tham Hợp, quân Bắc Ngụy đã chôn sống năm vạn binh sĩ Hậu Yên. Năm
thứ hai sau trận chiến dốc Tham Hợp, người anh hùng Mộ Dung Thùy đã
thân chinh cầm quân đi báo thù, khi ngang qua hố chôn người ở dốc Tham
Hợp, ông cùng tướng sĩ đã khóc thương thảm thiết, sau đó ông bị nôn ra
máu, bệnh tình ngày càng nguy kịch và không lâu sau thì mất, kết thúc
cuộc đời oanh liệt, đồng thời kết thúc vương triều Hậu Yên hùng mạnh.