Chinh Đông, Chinh Tây đã bị giết hại”. Vợ ông ta tức giận mắng: “Xảy ra
cơ sự ngày hôm nay chính là tại cái miệng tai bay vạ gió của ông đó! Ông
còn chưa chịu tỉnh ngộ hay sao?”. Ông ta đáp: “Hoàng hậu ơi, từ cổ chí
kim, có gia đình nào không suy vi, có quốc gia nào không diệt vong. Đến
ngày suy vi, trẫm cũng đành ngậm đắng nuốt cay, nhưng quyết không đổi
quốc hiệu!”.
Thật nực cười! Thực ra trong một trăm ba mươi năm lịch sử ấy, Trung
Quốc không chỉ tồn tại mười sáu nước, mười sáu nước này chỉ là những
tiểu quốc có quốc hiệu chính thức và có sự kế thừa ngôi báu. Nếu tính
chính xác, thì giai đoạn lịch sử đó phải có đến hai, ba chục quốc gia tồn tại.
Vương Thủy tuy ngu muội, nhưng ông ta đã phát biểu chính xác tham vọng
của các tiểu bá thời bấy giờ. Không ai khi sinh ra đã là một bậc đế vương!
Vả lại, gia đình nào rồi cũng đến lúc suy vi, quốc gia nào rồi cũng đến hồi
sụp đổ, vậy thì cứ đăng cơ làm hoàng đế cái đã, rồi tính sau. Lữ Quang nắm
trong tay cả một đội quân, lẽ nào ông ta không có tham vọng bá vương đó.
Nhưng điều này có liên quan gì đến việc giam giữ Rajiva?
Thấy tôi vẫn đầy vẻ thắc mắc, Rajiva tiếp tục giải thích:
- Lữ Quang vốn là người nơi khác đến, quân đội của ông ta cũng chỉ có
bảy vạn quân. Ông ta chỉ dựng lên một vương triều bù nhìn thì sao có thể
duy trì lâu dài?
Vậy là tôi đã hiểu! Đó là mối quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo. Lữ
Quang muốn bám rễ ở nơi đây với binh lực nhỏ bé như vậy, chẳng thể đủ
sức trấn áp và cai quản miền Tây vực rộng lớn với hàng mấy chục tiểu
quốc. Thế nên, ông ta buộc phải dựa vào sức mạnh của tôn giáo, để công
nhận quyền lực chính thống của ông ta ở Tây vực – vùng đất vốn hết sức
sùng bái đạo Phật. Và Rajiva lại là đại diện của thần quyền ở đây, Nếu
Rajiva công khai công nhận tính hợp pháp của chính quyền Lữ Quang, ông
ta sẽ không chỉ có được Khâu Từ, mà còn có thể có được sự quy thuận của