Cuộc chiến kỳ lạ ấy vừa mới xảy ra một năm trước thời điểm tôi có mặt
ở đây, vào tháng Mười một năm 383. Mức độ chênh lệch về lực lượng quân
sự hai bên trong cuộc chiến này được đánh giá là kỳ lạ nhất trong lịch sử
Trung Quốc: 87:18. Tính chất hoang đường của toàn bộ quá trình diễn ra
cuộc chiến khiến không ai có thể tin nổi. Bên giành thắng lợi không hề nắm
chắc phần thắng, cũng không hiểu do đâu mà chiến thắng. Bên thua, thua
trong nỗi ngỡ ngàng, bàng hoàng, đế quốc Tiền Tần hùng mạnh sụp đổ chỉ
trong một sớm một chiều.
Lữ Quang dẫn quân chinh phạt Tây vực vào tháng Giêng năm 383, trận
Phì Thủy diễn ra vào đầu năm đó. Lữ Quang đánh chiếm Qarasahr (Yanqi),
rồi tấn công Khâu Từ năm 384. Thực ra kế hoạch Tây chinh từng làm dấy
lên cuộc tranh luận gay gắt trong triều đình của Phù Kiên từ trước đó.
Nhiều đại thần không tán đồng việc phân tán lực lượng quân sự cho việc
chinh phạt Tây vực, vì nhà Tần đang phải tập trung binh lực để đối phó với
Đông Tấn. Nhưng sự tự tin thái quá được tích lũy sau những thắng lợi liên
tiếp, khiến Phù Kiên muốn nhanh chóng trở thành Tần Hoàng (Tần Thủy
Hoàng), Hán Vũ (Hán Vũ Đế) và ông cũng tự tin cho rằng lực lượng còn lại
dư sức đối phó với Đông Tấn. Nếu không có cuộc Tây chinh này, e là muốn
gặp đại tướng quân Lữ Quang, bạn phải tham gia trận chiến tại Phì Thủy.
Và như thế, có lẽ đã không tồn tại nhà Hậu Lương do Lữ Quang dựng lên
trong thời kỳ Thập lục quốc.
Nhưng trận chiến có ảnh hưởng to lớn đến lịch sử Trung Quốc ấy, đối
với một quốc gia xa xôi tận miền Tây vực như Khâu Từ và bản thân Rajiva
có mối liên quan gì?
- Lữ Quang đã hay tin nhà Tần bại trận. Tình hình hiện nay vô cùng rối
ren, người Yên phục quốc, người Khương làm phản, vua Phù Kiên đã
không còn đủ sức để cứu vãn thời cuộc.
Ánh mắt chàng rực sáng, chàng bóp mạnh tay tôi: