Lữ Quang cười ha hả:
- Pháp sư quả là người giàu lòng từ bi.
Rồi quay sang nhìn tôi.
- Thiếu nữ người Hán ở Khâu Từ không có nhiều, chờ khi ta tìm được
nàng nào ưng mắt, sẽ tặng cho pháp sư.
Rajiva làm mặt nghiêm nghị, lặng thinh không đáp.
- Rajiva, Lữ Quang đã thắng cuộc, vì sao vẫn muốn giam giữ chàng?
Ông ta muốn gì ở chàng?
Lựa lúc không có ai, tôi vội hỏi chàng câu hỏi quẩn quanh mãi trong đầu
kể từ lúc gặp Lữ Quang đến khi trở về căn phòng giam giữ chúng tôi lúc
trước.
- Ngải Tình, nàng có biết thất bại thảm hại của nước Tần trong cuộc đại
chiến với nước Tấn không?
Tôi biết chứ và tôi tin hầu hết người Trung Quốc đều thuộc làu lịch sử về
trận chiến đó. Đêm trước cuộc chiến, Phù Kiên vẫn còn là một bậc quân
vương thành công nhất trong thời kỳ Thập lục quốc. Luận về cương vực, về
cơ bản, lần đầu tiên Phù Kiên đã thống nhất toàn miền bắc Trung Quốc
(lãnh thổ rộng lớn hơn thời kỳ của Thạch Lặc rất nhiều). Luật về phẩm
cách, có thể xem Phù Kiên là một vị vua nhân từ hiếm có trong thời đại
loạn (mà hầu hết các đấng quân vương đều là hôn quân). Luận về chính
sách dân tộc, trong thời kỳ “không chung dòng tộc, ắt sinh khác lòng”,
phương châm của ông hết sức tiến bộ: hòa hợp dân tộc, không giết hại lẫn
nhau. Nhưng trận đại chiến ở Phì Thủy đã làm thay đổi cục diện, thậm chí
đã “đưa tang” nhà Tiền Tần vốn rất hùng mạnh trước đó.