Quang, ông ta vốn không tín Phật, đưa các nhà sư đi theo, không có lợi gì,
lại tốn lương thực. Thêm vào đó, hàng nghìn nhà sư chỉ nghe lời một mình
Rajiva, nếu trên đường xảy ra biến cố, ông ta sẽ gặp phiền phức. Sở dĩ, Lữ
Quang đưa Rajiva đi cùng là vì ông ta chưa xác định được tình hình của
Phù Kiên. Nếu Phù Kiên vượt qua khó khăn, trở lại vị thế cũ, ông ta sẽ
dâng Rajiva làm quà cho Phù Kiên.
Rajiva hiểu rõ toan tính của Lữ Quang, mấy ngày trước khi lên đường,
chàng đã phải vất vả khuyên giải các nhà sư. Cứ ngỡ đã thuyết phục được
họ ở lại, nào ngờ hôm nay vẫn còn nhiều nhà sư kiên trì đến vậy. Nhận thấy
ánh mắt hằn học của Lữ Quang, Rajiva vội vàng bước tới khuyên giải, cuối
cùng các nhà sư đành ra về trong nước mắt.
Một tiếng roi ngựa vút lên, đội xe đi đầu chuyển bánh, đoàn người đưa
tiễn kêu khóc thảm thiết. Rajiva nắm tay tôi bước tới chào từ biệt gia đình
Pusyseda, nét mặt buồn thảm. Chàng hít một hơi thật sâu, ngẩng đầu lên
nhìn bầu trời xanh của Khâu Tử, như thể muốn lưu lại khoảng trời đất này
mãi mãi trong trí nhớ. Tôi đọc thấy trong mắt chàng nỗi luyến lưu, bịn rịn
mà xót xa. Tôi cúi xuống, nắm lấy một nắm đất, gói vào khăn tay, đưa cho
chàng: - Đây là đất của Khâu Tử, mang theo bên mình, chàng sẽ được nhìn
thấy quê hương.
Rajiva đón lấy, ngắm nhìn một hồi, trịnh trọng gói lại, đặt vào trong áo.
Sau đó, chúng tôi lên xe ngựa. Khi xe lăn bánh, tôi vén rèm cửa, cùng
chàng nhìn theo Pusyseda đang bần thần ngóng theo trong làn gió đầu xuân
se lạnh. Vạt áo cậu tung bay bồng bềnh trong gió. Bóng dáng cao lớn xa
khuất dần, cuối cùng lạc vào giữa những đốm đen mờ ảo. Nước mắt nhạt
nhòa, vĩnh biệt Pusyseda, tôi sẽ nhớ cậu mãi mãi, cảm ơn cậu…
Khuôn ngực ấm áp của chàng đỡ lấy tôi, chàng vòng tay qua eo tôi, ánh
mắt long lanh. Tôi xoay người lại, ôm lấy chàng, để những giọt nước mắt
thương nhớ cố hương và người thân của chàng được tuôn rơi lần cuối cùng
trong đời. Xe ngựa đưa chúng tôi đi về vùng đất của những đau thương